Tính riêng tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ. Xuất siêu đạt gần 3 tỷ USD, là tín hiệu tốt cho thấy sự khởi sắc của xuất khẩu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Trong bức tranh tươi sáng đó, khu vực kinh tế trong nước đóng góp đến hơn 60% cho mức tăng trưởng xuất khẩu. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng chứng kiến mức tăng trưởng tương đối đồng đều, cả nhóm nông, lâm, thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến đều tăng mạnh.
Ở một số ngành hàng như lúa gạo, thủy sản, dệt may, doanh nghiệp cho biết đã có những đơn dặt hàng cho cả quý II/2024, giúp doanh nghiệp phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công thương đánh giá, nền kinh tế toàn cầu đang có những chuyển biến tích cực ngay từ những tháng cuối năm 2023. Nhu cầu mua hàng của các quốc gia trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 do chỉ số hàng tồn kho đã giảm đến mức ổn định, cộng với sự đồng pha giảm lãi suất ở các nền kinh tế lớn.
Trước tình hình thuận lợi, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 sẽ tăng trưởng ở mức trên 6%.
Tuy nhiên, tín hiệu phục hồi này vẫn được nhận định là chưa chắc chắn, trong bối cảnh những bất ổn toàn cầu như cạnh tranh thương mại, cạnh tranh nước lớn, xung đột vũ trang sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Các nền kinh tế lớn vẫn đang trên bờ vực khủng hoảng, đe dọa tới triển vọng xuất khẩu của nhiều ngành hàng.
Đặc biệt, năm 2024 sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng, bao gồm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và bầu cử tổng thống Mỹ. Xáo trộn về chính trị hoàn toàn có thể dẫn đến những sự đảo chiều trong chính sách ngoại giao, thương mại và đầu tư.
Một yếu tố cần phải lưu ý khác là việc các thị trường lớn trên thế giới đang và sẽ tiếp tục ban hành những tiêu chuẩn liên quan đến tính bền vững của sản phẩm. Dù được cho là hàng rào phi thuế quan, tác động tiêu cực tới tự do thương mại nhưng không thể phủ nhận vai trò của những chính sách này đối với thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên quy mô toàn cầu.
Thích ứng với bối cảnh mới
Trong bối cảnh Chiến lược phát triển dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 được phê duyệt, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 tăng mạnh đến 9,2% so với năm ngoái, đạt mức 44 tỷ USD.
Bác bỏ những thông tin rằng ngành dệt may tụt hậu trong chuyển đổi xanh, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, cho biết, sẽ tăng cường trao đổi thông tin, truyền thông về những thành tựu xanh hóa ngành dệt may với các đối tác.
Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp dệt may tăng doanh số xuất khẩu vào những thị trường tiên tiến.
Nhóm ngành nông nghiệp đứng trước triển vọng tươi sáng khi nhiều loại nông sản như lúa gạo, sầu riêng, thanh long, gỗ các loại thủy sản như tôm, cá tra đều nhận được nhiều đơn hàng lớn ngay từ đầu năm.
Để những triển vọng tươi sáng được hiện thực hóa, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận định, doanh nghiệp nông sản cần tập trung nhiều hơn vào chế biến sâu, tiếp cận xu thế tiêu dùng cũng như yêu cầu từ phía thị trường.
Năm vừa qua, trái thanh long lần đầu tiên được truy xuất dấu chấn carbon và áp dụng công nghệ giảm phát thải, xâm nhập được sang những thị trường tiên tiến. Đây cũng là hướng đi đáng được lưu tâm trong bối cảnh yêu cầu bền vững ngày càng được nâng cao.
Theo Bộ Công thương, một lợi thế quan trọng của ngành xuất khẩu là 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết với đối tác bao gồm hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó 16 FTA đang có hiệu lực. Tận dụng tốt các FTA sẽ giúp doanh nghiệp vững chân hơn khi đưa hàng ra nước ngoài, bất chấp những cơn gió ngược.
Bài toán tận dụng ưu đãi từ FTA cần lời giải đến từ hai phía. Trong đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu yêu cầu từ thị trường xuất khẩu cũng như những ưu đãi phù hợp. Mặt khác, Bộ Công thương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA và hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện.
Trong bối cảnh thế giới phân mảnh, xu thế bảo hộ hóa cục bộ đang gia tăng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể vấp phải những chiêu cạnh tranh không lành mạnh. Để thích ứng, doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng cơ chế minh bạch thông tin, đồng thời kịp thời báo cáo cho Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương để được hỗ trợ khi cần thiết.
Hoàng Đông