Nhiều doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đã tự tin vào tình hình hiện tại và sẵn sàng cho tăng trưởng sắp tới.
Niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi khi Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố đạt 46,3 trong quý cuối năm ngoái.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhận định, chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Dù vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn.
Ông cho biết thêm: “Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng chúng ta đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất”.
Theo báo cáo BCI, khi bối cảnh kinh doanh của Việt Nam chuyển từ quý III sang quý IV năm ngoái, những thay đổi nhỏ nhưng cũng cần được lưu ý trong tâm lý đã xuất hiện.
Mặc dù mức độ lạc quan chung về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ 2 điểm phần trăm, tỷ lệ dự báo suy thoái kinh tế giảm mạnh tới 14%.
Đáng chú ý, quý cuối cùng của năm ngoái chứng kiến mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tăng lên rõ rệt.
Tỷ lệ các doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại đã tăng từ 24% trong quý III/2023 lên 32% trong ba tháng cuối năm 2023. Triển vọng cho quý này cũng rất tích cực khi gần 1/3 doanh nghiệp đánh giá triển vọng của họ là 'xuất sắc' hoặc 'tốt'.
Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các doanh nghiệp đã giảm từ 9% xuống 5%.
Báo cáo của EuroCham cho biết thêm, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng.
Cụ thể, gần 1/3 công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý này và tỷ lệ tương tự có ý định tăng mức đầu tư – sự tăng trưởng rõ ràng kể từ năm ngoái.
Những số liệu thống kê này báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2024, EuroCham đánh giá.
Thách thức tại Việt Nam
Kết quả khảo sát từ EuroCham cho biết, hơn một nửa số người được hỏi xác định gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy là một trong ba rào cản hàng đầu, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh.
Hơn 1/3 doanh nghiệp nhấn mạnh các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau cũng là thách thức lớn, đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.
Đảm bảo giấy phép và các phê duyệt cần thiết là mối quan tâm của hơn 1/5 người được hỏi, chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thiếu chuyên gia địa phương có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành là một vấn đề quan trọng, cho thấy khoảng cách về nguồn nhân lực cần được cân nhắc và giải quyết.
Không chỉ vậy, nhiều công ty nhận thấy các quy định về thị thực, giấy phép lao động và quy định lao động đối với người nước ngoài là thách thức, phản ánh sự phức tạp của việc quản lý lực lượng lao động quốc tế theo hệ thống pháp luật hiện hành.
Để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, hơn một nửa số người được hỏi kêu gọi tinh giản bộ máy hành chính, cho thấy rằng việc giảm bớt các quy trình quan liêu có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, 45% nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý, trong khi 30% coi phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, cảng và cầu là điều cần thiết để thu hút FDI.
Phương Anh