Trong giai đoạn đầu, Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) của EU sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và Điện.
CBAM được coi như Cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU.
Cơ chế xanh cho nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài EU
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, ngày 16/5/2023 Ủy ban Châu Âu đã ban hành quy định (EU) 2023/956 ngày 10/5/2023 về Thiết lập Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) tại EU.
CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 01/10/2023, với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/01/2024. Bộ quy tắc và yêu cầu đối với việc báo cáo lượng phát thải theo CBAM sẽ được cụ thể hóa thêm trong Đạo luật triển khai và sẽ được Ủy ban thông qua sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban CBAM, bao gồm các chuyên gia từ các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU).
Với mục đích nâng cao tham vọng khí hậu của riêng mình, nhưng EU cho rằng các chính sách về môi trường và khí hậu ít nghiêm ngặt hơn phổ biến ở các nước ngoài EU, có nguy cơ cao ‘rò rỉ carbon’, qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu. Do vậy, EU ban hành Cơ chế xanh mới để nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài EU: một hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất và khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.
Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và Điện.
CBAM sẽ thực hiện như thế nào?
Theo Quy định có hiệu lực vào 16/5/2023, CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023. Để tạo điều kiện triển khai suôn sẻ, các nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính nào trong thời gian này.
Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra.
Nhà nhập khẩu EU phải khai báo trước ngày 31/5 hàng năm về số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu vào EU trong năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm.
Nếu các nhà nhập khẩu EU có thể chứng minh, dựa trên thông tin đã được xác minh từ các nhà sản xuất ở nước thứ ba, rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, thì số tiền tương ứng có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng của họ.