Khởi đầu tích cực nhưng vẫn còn đó nỗi lo
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu so sánh với cùng kỳ những năm trước, doanh số xuất khẩu tôm tháng 1/2024 là một tín hiệu tích cực khởi đầu cho xuất khẩu tôm năm 2024.
Giá tôm nguyên liệu ở một số địa phương cũng có xu hướng nhích lên trong tháng đầu năm. Các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng 2 con số, giá trị xuất khẩu tôm loại khác tăng trưởng 3 con số. Các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh tăng trưởng mạnh hơn các sản phẩm tôm chế biến.
Về thị trường, trong số các thị trường nhập khẩu chính, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất 275% đạt 42 triệu USD trong tháng 1/2024, chiếm tỷ trọng 17,5%. Xuất khẩu tôm của Ecuador (đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc) năm nay dự kiến không mấy suôn sẻ do phải đối mặt với tình trạng mất an ninh trong ngành tôm và khó khăn chung của ngành tôm toàn cầu.
“Cùng với nhu cầu lớn từ Trung Quốc và chính sách ưu tiên nhập khẩu của nước này, đây có thể được coi là cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc năm 2024.” - Đại diện Hiệp hội VASEP nhận định.
Tại thị trường Hoa Kỳ, tháng 1/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tiếp nối đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2023, tăng 77% đạt 41 triệu USD. Tuy nhiên, diễn biến xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ năm 2024 sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 10% thị trường, đứng thứ 4 sau Ấn Độ 36%; Ecuador 22%; Indonesia 18%. Trong năm 2023, tôm nguyên liệu bóc vỏ được nhập khẩu nhiều nhất vào thị trường Hoa Kỳ, ghi nhận tăng trưởng nhẹ; tôm bao bột, tôm hấp ghi nhận giảm.
Tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng đầu năm 2024 ghi nhận tăng trưởng lần lượt là 30% đạt 37 triệu USD và 21% đạt 23 triệu USD.
Mặc dù vậy, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành tôm năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất và xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp tôm cho biết, đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường còn yếu. Vẫn tồn tại những vấn đề như: lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador,…
Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.
Lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Hoa Kỳ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu.
Tôm Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung và chu kỳ giảm giá có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024. Tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao cộng với bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới.
Cách nào để nâng giá trị tôm xuất khẩu trên thị trường?
Nhiều chuyên gia dự báo, sang năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ hồi phục tích cực khi nguồn cung tôm toàn cầu suy giảm và nhu cầu dần phục hồi, giúp thúc đẩy giá xuất khẩu tăng trở lại.
Theo Ngân hàng Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), khoảng 30 - 50% số hộ nuôi tại các nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam phải thu hẹp diện tích nuôi trồng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, tính đến giữa quý 4/2023, giá tôm nguyên liệu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022 đã không khuyến khích các hộ nuôi tôm tại các nước trên (bao gồm Việt Nam) mở rộng vùng nuôi do rủi ro thua lỗ cao.
Thêm vào đó, chu kỳ nuôi và thu hoạch tôm kéo dài trung bình từ 4 - 6 tháng, vì thế, nguồn cung tôm trên toàn cầu dự kiến sẽ có xu hướng bị thắt chặt trong nửa đầu năm nay, và dự kiến sẽ dần mở rộng trở lại trong nửa cuối năm khi nhu cầu tôm toàn cầu hồi phục.
Tại Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn dự báo thời tiết năm nay (khô, nóng) phù hợp với hoạt động nuôi tôm và nguồn cung tôm có thể sẽ nhanh chóng phục hồi, đáp ứng tốt nhu cầu chế biến khi hoạt động xuất khẩu tăng tốc.
Chánh Văn phòng Hiệp hội VASEP Trần Thuỵ Quế Phương cho rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay sẽ phục hồi và tăng trưởng từ 10 - 15% trong bối cảnh kinh tế các thị trường trọng điểm đang dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.
Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh cho tôm Việt Nam, doanh nghiệp cần tìm cách sản xuất hiệu quả để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như nâng được giá trị sản phẩm tôm xuất khẩu trên thị trường.
Về điều này, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, tôm nguyên liệu của Việt Nam chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguyên liệu sản xuất thức ăn, thuốc phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu nên chi phí sản xuất hiện đang cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ và Indonesia và cao gấp nhiều lần so với tôm nguyên liệu của Ecuador.
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam vẫn còn đang cạnh tranh với các quốc gia khác ở phân đoạn logistics. Đường đi sản phẩm tôm của Ấn Độ, Ecuador đến các thị trường Mỹ, châu Âu ngắn hơn so với đường vận chuyển của Việt Nam. Gộp các chi phí này lại, tôm Việt Nam phải cạnh tranh gấp đôi so với các quốc gia khác.
“Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm bắt buộc phải đầu tư công nghệ tiên tiến hơn nữa để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao trong chinh phục thị trường quốc tế.” - Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong lĩnh vực chế biến tôm, cả thế giới mới có 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia đứng đầu về công nghệ chế biến sâu.
“Cũng nhờ vào sự đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác. Chính vì vậy, để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị phần.” - Ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn mong đợi từ Chính phủ, Bộ ngành những biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất như giá thức ăn nuôi tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống. Được hỗ trợ tích cực các vấn đề liên quan đến thị trường Hoa Kỳ như vụ điều tra thuế chống trợ cấp, thị trường Hàn Quốc như vấn đề hạn ngạch. Để ngành tôm có thể vượt qua thách thức, đạt được kim ngạch xuất khẩu cao trong năm nay.
Huyền My