Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa sang Italia

6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italia đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu những mặt hàng sang thị trường Italia như: cà phê, hạt tiêu, hạt điều bóc vỏ, điện thoại và linh kiện, giày dép…

Nhiều lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Italia

Italia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), sau Hà Lan và Đức. Mặt khác, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong khối ASEAN với kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm.

Italia là quốc gia xếp hạng thứ 20 trong số những quốc gia Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 20 quốc gia mà Chính phủ Italia ưu tiên hợp tác thúc đẩy thương mại đầu tư.

Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Italia năm 2023 đạt 6,1 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt 4,47 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,62 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italia đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Italia đạt 2,5 tỷ USD, tăng 9,2%; nhập khẩu từ Italia đạt 0,88 tỷ USD, tăng 10,3%.

Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh tro xuất khẩu sang Italia
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Italia trong giai đoạn 2019 - 2023 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Italia là thủy sản, cà phê, dệt may, giày dép, điện thoại, máy tính, gỗ và sản phảm gỗ, sắt thép các loại. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Italia là máy móc thiết bị phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, vải các loại, dược phẩm, hóa chất.

Việt Nam và Italia có những điểm tương đồng về cơ cấu kinh tế khi có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền kinh tế hai nước cũng có sự bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng cũng như sản phẩm. Hiện nay, những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang Italia là cà phê, hạt tiêu, hạt điều bóc vỏ, điện thoại và linh kiện, giày dép…

Đơn cử, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italia liên tục tăng trưởng cao ở mức 3 con số. Tính lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Italia đã đạt gần 15 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh cá ngừ, Italia cũng tăng nhập khẩu các loại sắt thép của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Italia đã chi hơn 530 triệu USD nhập khẩu 852 nghìn tấn sắt thép các loại từ Việt Nam.

Ngoài ra, Italia là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 cà phê của Việt Nam trong khu vực châu Âu - châu Mỹ, chỉ sau Đức, với khối lượng 86.588 tấn trong 6 tháng đầu năm 2024, đạt hơn 276 triệu USD, giảm 6,66% về lượng nhưng tăng 37,17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu sang Italia
Tháng 5/2024 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Italia tổ chức Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ nông sản Macfrut lần thứ 41 nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, xúc tiến thương mại tại thị trường Italia

Góp phần vào những thành công nêu trên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết, ngoài việc đẩy mạnh thông tin cho doanh nghiệp, Thương vụ đã xuất bản Newsletter điện tử hàng tháng và phối hợp với Phòng Thương mại Torino dịch sang tiếng Italia. Bản tin đề cập đến hoạt động thương mại, đầu tư, cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về quy định trong Hiệp định EVFTA, ngành hàng cụ thể và cơ hội hợp tác giao thương giữa doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình tìm hiểu, đàm phán và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu, đầu tư giữa doanh nghiệp của 2 nước, Thương vụ cho biết có thể hỗ trợ về vĩ mô và vi mô liên quan đến từng doanh nghiệp.

Mặt khác, Thương vụ còn triển khai nghiên cứu theo từng mảng thị trường lĩnh vực ngành hàng, xuất bản sách nghiên cứu về thị trường Italy, Cyprus, Malta, Sanmarino và Vatican để giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, thường xuyên tham dự các hội nghị, diễn đàn, hội chợ nhằm tạo cơ hội tiếp xúc, giao thương giữa 2 bên; đẩy mạnh tiếp xúc doanh nghiệp, thăm nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các công ty Italy để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thúc đẩy các lĩnh vực mà Italia có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tajani bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng hôm nay (17/7), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, Italia là một trong số đối tác quan trọng của Việt Nam tại EU trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại. 

Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu sang Italia
Nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng

Do vậy, để tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất tổ chức khóa họp lần thứ IX của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia vào quý IV/2024 tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên cần thúc đẩy các lĩnh vực mà Italia có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như:

Thứ nhất, trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp, máy móc, đề nghị Italia hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, trong khuôn khổ triển khai thực thi Hiệp định EVFTA, đề nghị Italia tăng cường trao đổi thông tin, cập nhật các quy định của EU nói chung và Italia nói riêng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng; hỗ trợ thiết lập mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc từ sản xuất đến tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Thứ ba, khuyến khích các nhà đầu tư Italia đầu tư vào ngành chế biến nông sản, thực phẩm hay thiết kế thời trang, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác, phủ khắp các châu lục, đưa mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường của Việt Nam ngang với Singapore. Đây cũng chính là yếu tố giúp Việt Nam ngày càng khẳng định và củng cố vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi các doanh nghiệp Italia mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực mà Italia có thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm để tận dụng những ưu đãi từ EVFTA mang lại.

Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu sang Italia
Việt Nam hiện đang có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu những mặt hàng sang Italia như: cà phê, hạt tiêu, hạt điều bóc vỏ, điện thoại và linh kiện, giày dép…

Về phía Italia, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Antonio Tanjani khẳng định, Italia luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp và năng lượng. Đặc biệt, Italia coi Việt Nam là đối tác quan trọng của Italia trong khu vực ASEAN và đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Bộ Công Thương trong Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế đặc biệt trong vai trò là cầu nối của doanh nghiệp hai nước.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Antonio Tanjani cho rằng, Việt Nam là “tấm gương sáng”, là một hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư, tham gia thành công vào tiến trình toàn cầu hóa và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.