Ôm trọn những vị trí đắc địa của trung tâm thành phố Hà Nội, tuy nhiên nhiều dự án lớn vẫn mãi "đắp chiếu" nhiều năm trời đầy tiếc nuối.
Dự án Apex Tower từng được kỳ vọng trở thành trung tâm thương mại cung cấp văn phòng, căn hộ tiện nghi, hiện đại, tạo ra điểm nhấn kiến trúc ở cửa ngõ phía tây Hà Nội, góp phần làm đẹp cảnh quan khu đô thị mới.
Tòa tháp Apex Tower có tổng diện tích khuôn viên là 2.780m2, diện tích sàn xây dựng là 44.000m2, chiều cao tòa nhà khoảng 100m, số tầng cao là 27 tầng + 3 tầng hầm. Công trình được khởi công xây dựng từ đầu năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012 do Công ty Cổ phần tòa nhà Cavico Việt Nam và Công ty Cổ phần tu tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Dự án Apex Tower tọa lạc tại vị trí đắc địa trong khu đô thị Mễ Trì Hạ (phường Mỹ Đình), trên đường Vành đai 3, bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Tọa lạc tại vị trí nổi bật trong khu đô thị mới phát triển phía Tây Nam thành phố Hà Nội, tòa tháp Apex Tower có vị trí nằm tại lô đất HH3, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Từ Liêm, Hà Nội. Apex Tower có một vị trí khá hấp dẫn, thuận tiện nằm mặt tiền hướng ra đường Phạm Hùng, cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia khoảng 500m.
Dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng sau hàng chục năm, dự án vẫn không hẹn ngày hoàn thiện khi đã xây xong phần thô. Được biết, năm 2011, dự án đã tạm dừng thi công. Tới năm 2014, sau đợt thanh tra, dự án được chỉ ra là thi công không đúng thiết kế. Những sai phạm trong quá trình triển khai dự án cùng những khó khăn về tài chính là một trong những nguyên nhân khiến Apex Tower không thể tiếp tục triển khai đúng tiến độ đề ra.
Công trình được khởi công xây dựng từ đầu năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Dự án Usilk City
Tương tự, dự án Usilk City từng được kỳ vọng là dự án “đáng sống bậc nhất quận Hà Đông”, đến nay lại được biết đến là “nghĩa địa bất động sản giữa Hà Nội”. Dự án được khởi công từ năm 2008 do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư trên khu đất rộng 9,2 ha.
Dự án có mặt tiền trải dài ven đường Tố Hữu - tuyến đường huyết mạch ở phía tây thủ đô với 13 tòa nhà cao 27 - 50 tầng, gồm 2.700 căn hộ, kèm theo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, tiện ích xanh và hiện đại với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Dự án Usilk City từng được kỳ vọng là dự án “đáng sống bậc nhất quận Hà Đông”.
Trong khoảng thời gian từ năm 2009 – 2012, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long đã ký hợp đồng vay vốn, hợp đồng bán nhà với trên 2.000 khách hàng, thu về số tiền trên 4.000 tỷ đồng và cam kết bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2013.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm nhưng phần lớn các tòa nhà chỉ thi công xong phần móng. Dự án Usilk City trở thành một công trường bỏ hoang.
Dự án được khởi công từ năm 2008 do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư . Dự án Toà nhà hỗn hợp Hattoco
Nằm ngổn ngang trên đường Trần Phú, Hà Đông, dự án Toà nhà hỗn hợp Hattoco tọa lạc tại số 110 Trần Phú, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội. Dự án được xây dựng trên khu đất 4.992 m2 với thiết kế tòa tháp 39 tầng nổi và 3 tầng hầm, từ tầng 1 đến tầng 6 là khu trung tâm thương mại, văn phòng, từ tầng 7-39 là khu căn hộ với tổng số 439 căn.
Công trình được khởi công từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tư vấn - Đầu tư xây dựng Ba Đình (Ba Đình CIC) làm chủ đầu tư.
Đầu năm 2013, chủ đầu tư dự án Hattoco bất ngờ tuyên bố tái khởi động dự án sau một thời gian dừng thi công do thiếu vốn, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 4/2014. Đến năm 2016, chủ đầu tư dự án Hattoco đã kêu gọi khách hàng tiếp tục đóng tiền để thực hiện dự án. Nếu khách hàng không đóng tiền, chủ đầu tư sẽ thanh lý hợp đồng. Đến năm 2018, dự án lại dừng thi công cho đến nay.
Dự án Toà nhà hỗn hợp Hattoco tọa lạc tại số 110 Trần Phú, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội. Dự án Habico Tower
Dự án Habico Tower thực hiện từ năm 2008, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2011. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Hải Bình (Habico) trên khu đất hơn 4.490m2 bên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội cùng vốn đầu tư khủng khoảng 220 triệu USD (hơn 5 nghìn tỉ đồng).
Theo thiết kế ban đầu, Habico Tower có hai tòa tháp với chiều cao 180m, 4 tầng hầm và 36 tầng nổi. Dự án có chức năng là tòa nhà thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng và nhà ở cao cấp cho thuê.
Habico Tower nằm tại vị trí đắc địa - ngay cạnh đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội.
Được biết, tháng 5/2011, khi nhà thầu dự án tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ thì xảy ra sự cố bê tông sàn bị phá hủy. Theo kết quả kiểm tra cho thấy, toàn bộ 9 tầng, bê tông không đạt chất lượng theo yêu cầu thiết kế. Ngay sau đó dự án bị dừng thi công và cho đến nay Habico Tower vẫn chỉ là khối bê tông bỏ hoang trên lô đất vàng.
Hình ảnh tòa tháp Habico Tower đang hoang tàn theo thời gian. Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem
Chung số phận là dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được khởi công vào năm 2011, dự kiến hoàn thành sau khoảng 3 năm nhưng chậm tiến độ, sau đó được lùi thời hạn đi vào hoạt động sang cuối năm 2017.
Quy mô diện tích gần 8.500m2 với 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, tổng vốn đầu tư hơn 2.740 tỷ đồng, mục tiêu là xây dựng trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại. Công trình được xây dựng tại lô 10E6 khu đô thị mới Cầu Giấy, được xem là "đất vàng" của Thủ đô, sát vành đai 3, gần tòa tháp Keangnam, Trung tâm hội nghị quốc gia.
Dự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được phê duyệt trên lô đất rộng gần 8.500m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 13 năm khởi công tòa tháp mới chỉ hoàn thiện phần thô và bỏ hoang nhiều năm. Nguyên nhân, do việc đầu tư dự án này thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong khi theo Nghị định 91 và 32 thì Vicem không được kinh doanh ngoài ngành nên việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có một số khó khăn vướng mắc. Đồng thời, còn một số tồn tại của các gói thầu nên việc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án cũng gặp khó khăn.
Minh Châu