Cuối năm 2024 là thời điểm phục hồi rõ rệt
Dự báo về triển vọng của thị trường bất động sản năm 2024, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, về tổng thể, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đang và sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn trong thời gian tới.
Cùng có chung nhận định này, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, 2024 khả năng cao sẽ là năm cuối cùng trong quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất đông sản.
Thị trường sẽ dần đi vào “ổn định”, bức tranh toàn cảnh có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Đây sẽ là căn cứ và nền tảng để thị trường chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả.
Lý do được bà Miền đưa ra là các tín hiệu tích cực từ phía doanh nghiệp. Trải qua quá trình thanh lọc, sức khỏe nội tại, cùng khả năng ứng biến với các khó khăn, nội lực của các doanh nghiệp trên thị trường đang được nâng lên.
Bên cạnh đó, các thay đổi trong luật mới tuy chưa được áp dụng, nhưng sẽ là tín hiệu tích cực để các chủ thể gửi gắm niềm tin và sốc lại tinh thần cho công đoạn chuẩn bị trong thời kỳ sắp tới.
Song song với các giải pháp tháo gỡ các khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn cho thị trường, “niềm tin” của khách hàng và nhà đầu tư đang dần trở lại.
Thực tế vừa qua cho thấy, thị trường đã có sự chuyển biến tích cực theo thời gian. Minh chứng là các giao dịch đang có đà tăng liên tục về quy mô theo thời gian. Thị trường đạt tổng 2.700 giao dịch trong quý I/2023, 3.700 trong quý II/2023 và 6.000 giao dịch trong quý III/2023.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường quý I/2023 tăng trưởng âm 16,2%; hai quý đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng âm 11,58%, nhưng đã tăng 4,62% so với quý I/2023. Đến cuối quý III/2023 tuy vẫn còn tăng trưởng âm 8,71%, nhưng đã tăng thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm và sau chín tháng.
Bên cạnh đó, theo ông Phong, hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2 - 3% so với cuối năm 2022. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm giúp các doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn và người dân sẽ chuyển dần chú ý sang kênh đầu tư bất động sản.
Đặc biệt, độ ngấm và hiệu quả tháo gỡ về chính sách, cải thiện về môi trường pháp lý đang đậm nét dần sau gần 20 động thái pháp lý liên tục và dồn dập được triển khai trong năm 2023. Hàng loạt dự án luật mới đã được điều chỉnh và được Quốc hội thông qua như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chứa đựng nhiều điểm mới... Luật Đất đai dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ được thông qua.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt ở mức 6 - 6,5%, cao hơn mức 5,05% của năm 2023. Đây chính là yếu tố góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản hồi phục.
Các kênh dẫn vốn của thị trường cũng có sự khởi sắc rõ rệt. Ngân hàng Nhà nước vừa dự kiến tăng trưởng tín dụng 15% cho năm 2024. Các vụ việc vi phạm trên thị trường trái phiếu, chứng khoán được xử lý dứt điểm, góp phần tạo niềm tin cho thị trường.
"Các yếu tố trên, cộng với độ ngấm chính sách, sự tháo gỡ khó khăn về pháp lý của Chính phủ, rõ ràng thị trường chưa thể phục hồi mạnh mẽ, nhưng sẽ có khởi sắc rõ rệt trong năm nay", ông Lực nhận định.
Cần thời gian dài để vực dậy thị trường bất động sản
Tại Diễn đàn Thị trường bất động sản Việt Nam 2024: Vượt qua thách thức do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức, bà Miền dự báo, quý I và quý II/2024, thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Nhưng phải từ cuối quý III trở đi, sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt.
Các chương trình mở bán quy mô lớn cùng chiến dịch truyền thông rầm rộ sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục hơn trong năm nay. Đây được xem là hành động quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm sinh tồn rất cao của các chủ đầu tư, nỗ lực vượt qua khó khăn.
Các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng đạt được độ ngấm sẽ cho thấy rõ hơn các tác động tích cực đến thị trường.
Phân khúc bất động sản nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giai đoạn giữa năm 2024.
Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng trên cơ sở các kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm 2023. Hoạt động M&A duy trì độ nhiệt, với nhiều hơn các thương vụ thành công, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp nội.
Bên cạnh đó, các ngành nghề khác, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường bất động sản như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất cũng dần được phục hồi nhưng với tốc độ chậm.
Tuy chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024, nhưng năm nay sẽ là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản.
"Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi lại định nghĩa, để hiểu rằng phục hồi là cả một quá trình chứ không chỉ là kết quả. Quá trình phục hồi của thị trường sẽ phải diễn ra trong nhiều năm cho đến khi thị trường thực sự được vực dậy", bà Miền nhận định.
Đáng chú ý, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, kịch bản này sẽ chỉ xảy ra nếu các dự báo về vĩ mô, đặc biệt liên quan đến điều hành của Chính phủ theo hướng quyết liệt, có sự tham gia “thực sự” của chính quyền các cấp.
Nếu không, chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ “đổ vỡ” trên thị trường với hàng loạt doanh nghiệp phải dừng hoạt động, kéo theo sự khó khăn chung của hàng loạt ngành nghề khác và cả nền kinh tế.
Phương Linh