Toàn tỉnh Bắc Ninh có 563 dự án với diện tích 1.614ha cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, dự án thu hồi đất…
HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết thông qua danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo nghị quyết, tỉnh Bắc Ninh có 563 dự án với diện tích 1.614ha cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng năm 2024. Cụ thể, thành phố bắc Ninh có 96 dự án với diện tích là 312,2ha; thành phố Từ Sơn có 92 dự án, diện tích là 350ha; thị xã Quế Võ có 115 dự án, diện tích 260,6ha; thị xã Thuận Thành có 46 dự án, 124,6ha.
Còn huyện Tiên Du có 79 dự án với diện tích là 165,5ha; huyện Gia Bình có 24 dự án với 53,5havà huyện Yên Phong có 74 dự án với tổng diện tích là 241,9ha
HĐND tỉnh Bắc Ninh giao cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện rà soát cụ thể các dự án, đảm bảo đủ điều kiện trình phê duyệt danh mục dự án cần thu hồi theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng các quy trình và trách nhiệm về hồ sơ dự án đề nghị thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất trong khâu lập kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất hàng năm.
Đối với dự án sau điều chỉnh chuyển đổi đất trồng lúa trên 10ha, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nghị quyết. Hằng năm, UBND tỉnh cần báo cáo kết quả tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, cuối tháng 11/2023, UBND tỉnh Bắc Ninh đã điều chuyển, thu hồi gần 276,6 tỷ đồng đối với 41 dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 của 18 chủ đầu tư, đơn vị.
Trong đó, điều chuyển 37 tỷ đồng nguồn vốn (nguồn vốn ngân sách địa phương) giữa 4 dự án; điều chuyển 45,5 tỷ đồng vốn khác chủ đầu tư trong cùng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản đối với 6 dự.
Tỉnh thu hồi gần 194,1 tỷ đồng vốn đã bố trí cho 31 dự án, nhiệm vụ chi cấp tỉnh của 16 chủ đầu tư do vướng mặc thủ tục, mặt bằng; trình điều chỉnh chủ trương đầu tư; dư vốn chuẩn bị đầu tư; dự án chủ đầu tư đề xuất điều chuyển nguồn vốn đến không đủ điều kiện nhận vốn; không có khả năng giải ngân nguồn vốn...
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành tập trung rà soát lại các dự án, đôn đốc, kịp thời phát hiện, hướng dẫn và chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là các dự án trọng điểm.
Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, hội đồng hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn.
Theo đó, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư giải ngân, triển khai các hạng mục thi công, thanh quyết toán sớm các hạng mục đã hoàn thành. Với những đơn vị vi phạm hợp đồng, cần có chế tài xử lý nghiêm để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.