Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai

Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Để luật mới nhanh chóng đi vào cuộc sống thì điều kiện tiên quyết là phải nâng cao hiệu quả thi hành luật, chống lãng phí, thất thoát và vi phạm trong sử dụng đất, đặc biệt là đất công.

Vi phạm sử dụng đất còn nhiều

Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; do đó đã được Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024, thay vì ngày 1/1/2025 như dự kiến ban đầu. Về tổ chức thực hiện, Luật Đất đai 2024 dự kiến có 16 văn bản hướng dẫn của Chính phủ,

Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công" do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia, nhà quản lý cùng thống nhất quan điểm, Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực chính thức cùng với các văn bản hướng dẫn liên quan đã tạo ra khung pháp lý mới để khơi thông nguồn lực đất đai của quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả chính sách có sự gắn kết chặt chẽ với hiệu lực thi hành luật, trong đó có vấn đề sử dụng hiệu quả và xử lý vi phạm đối với đất đai nói chung, đất công nói riêng.

TS Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam nhận định, giai đoạn vừa qua hiệu quả khai thác, sử dụng đất đai một số chỗ chưa cao, còn nhiều hạn chế gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội.

Cụ thể, hiện có hàng nghìn dự án thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bị chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi. Các lãng phí, thất thoát này không chỉ là lãng phí nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn làm mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dẫn Báo cáo số 330 của Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, ông Trần Công Phàn cho biết, giai đoạn 2016-2021 Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287 ha đất. Trong đó kết quả thực hiện kết luận thanh tra đã thu hồi về cho Nhà nước 3.931 ha trên tổng số 7.727 ha phải thu hồi, trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao đất rất nhiều nhưng chưa quản lý chặt chẽ. Nhiều đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư nhưng không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá nên dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại dẫn đến sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch... Trong khi đó, việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu, Xây dựng và Phản biện pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh, để tăng cường hiệu quả thi hành Luật Đất đai thì cần trước hết rà soát, thu hồi và xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Đơn cử như một số vi phạm được các báo cáo, nghiên cứu và báo chí nêu trong thời gian vừa qua như: Vụ sai phạm tại khu đất 30.977 m2 số 152 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh: Thanh tra Chính phủ đã kết luận rằng, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) là DNNN được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao lô đất trên từ năm 2008 để thực hiện dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, khi liên danh cùng công ty khác để thực hiện dự án (trong phần vốn góp của Vinataba có lô đất kể trên), Vinataba đã vi phạm quy định về quản lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước (khi thoái vốn không đánh giá lại tài sản, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn) nên khi thoái vốn, chuyển vốn góp sang đơn vị khác thì khiến lô đất đổi chủ sang doanh nghiệp tư nhân. Đầu năm 2024, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định thu hồi lô đất trên nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Trường hợp thứ hai là khu đất 6.080 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, vốn được sắp xếp giao cho Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao với điều kiện không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, Sabeco vẫn thực hiện liên doanh, liên kết và thành lập Công ty Sabeco Pearl trái quy định, sau đó chuyển quyền sử dụng đất sang Sabeco Pearl.

Năm 2016, Sabeco bán toàn bộ 26% vốn góp trong Sabeco Pearl cho chính các cổ đông sáng lập còn lại của Sabeco Pearl làm khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng chính thức trở thành tài sản của Sabeco Pearl, hiện nay là Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh (doanh nghiệp 100% vốn tư nhân). Khu đất này sau đó đã bị thu hồi và bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh quản lý.

Một thí dụ nữa là khu đất công 6.202 m2 tại 39 - 39B Bến Vân Đồn, Quận 4, TP Hồ Chí Minh. Năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, khu đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, năm 2010 được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Công ty TNHH Phú Việt Tín do hai doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao-su Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Cao-su Bà Rịa (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam góp vốn thành lập từ năm 2009). Sau đó, hai doanh nghiệp trên thoái vốn khỏi Phú Việt Tín, lúc này khu đất 39 - 39B Bến Vân Đồn chính thức thuộc quyền sử dụng của Phú Việt Tín (doanh nghiệp tư nhân). Tiếp đó, khu đất này liên tục được thay chủ sử dụng thông qua các hoạt động mua bán, chuyển nhượng vốn góp trong Phú Việt Tín và cuối cùng đến tay một doanh nghiệp bất động sản và trở thành cao ốc phức hợp với nhiều căn hộ cao cấp, có vị trí đắc địa mà không bị thu hồi.

Theo ông Huệ, nguyên nhân của các sai phạm nêu trên có phần trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền khi buông lỏng quản lý, thực hiện không đúng các quy định pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không thông qua đấu thầu, đấu giá); việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm.

Dưới góc độ pháp lý, ông Võ Văn Tài, Trưởng khoa Kiểm sát Hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc làm rõ dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm liên quan lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai là rất cần thiết, giúp truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Theo vị chuyên gia, có một số khó khăn trong việc xử lý sai phạm liên quan đến đất công hiện nay, đó là định giá đất công, xác định động cơ của người phạm tội (có động cơ bất chính hay là chỉ bắt nguồn từ nhận thức hạn chế), xác định hành vi là vi phạm khoản nào, điều nào của Luật Đất đai, nghị định của Chính phủ hoặc quy hoạch của địa phương… “Thực tiễn cho thấy, quy hoạch đất thay đổi theo từng thời kỳ, thời điểm thực hiện là đúng nhưng một thời điểm khác nhìn nhận, đánh giá lại thì thấy sai. Cũng có trường hợp căn cứ vào quy hoạch tại thời điểm thực hiện là sai, nhưng một thời gian sau lại đúng”, ông Huệ nêu thực trạng.

Kỳ vọng việc thực thi chính sách mới

PGS, TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Phó Vụ trưởng Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước những năm gần đây diễn ra chậm, nhưng chủ yếu đến từ những khó khăn trong xác định giá trị quyền sử dụng đất. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa chậm hoặc không cổ phần hóa được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất. Chưa kể, nhiều quy định chưa thật sự rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, kéo dài quá trình cổ phần hóa.

Ông Sỹ kỳ vọng Luật Đất đai 2024 (đã bổ sung cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất) sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa, là một tiền đề tốt, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước và các công ty cổ phần được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước trong việc sử dụng quyền sử dụng đất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nhanh hơn, hiệu quả hơn thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (và có thể là cả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công)”, ông Sỹ đề nghị.

Về vấn đề này, Ban Nghiên cứu, Xây dựng và Phản biện pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất công trong thời gian tới thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý các dự án treo, vi phạm các quy định về pháp luật đất đai, đầu tư, nhất là khu vực nhà đất công.

Ngoài ra, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu, danh mục dự án vi phạm pháp luật về đất đai, từ đó có các giải pháp xử lý, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, trong đó đề nghị nâng mức xử phạt hành chính ở mức cao hơn để hạn chế các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất; đi đôi với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, sai phạm về đất đai.