Khó khăn về vốn và thiếu cơ chế rõ ràng khiến việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng được xây dựng nhằm mục đích thu hút doanh nghiệp, nhà máy theo tiêu chí sạch và thân thiện với môi trường. Tại đây, cơ sở hạ tầng đồng bộ giúp các doanh nghiệp kết hợp với nhau theo chuỗi giá trị, tận dụng phế, phụ phẩm làm đầu vào cho sản xuất.
Từ đó, doanh nghiệp thuê đất tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền vừa đảm bảo hoạt động không gây ảnh hưởng tới môi trường, vừa tiết kiệm chi phí hoạt động nhờ giảm bớt tiền xử lý chất thải cũng như tiền nhập nguyên vật liệu.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là minh chứng cho thấy tính khả thi của hình thức cộng sinh công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, hình thức khu công nghiệp sinh thái vẫn chưa phát triển tại Việt Nam.
Trước xu thế xanh hóa chuỗi cung ứng, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, một số khu công nghiệp tại Việt Nam đã triển khai các giải pháp tuần hoàn chất thải như xử lý và tái sử dụng nước thải, tái sử dụng nhiệt, lắp đặt pin năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng, các giải pháp này vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự bài bản. Do đó, hiệu quả và tính lan tỏa của các giải pháp vẫn chưa cao.
Đơn cử như Khu công nghiệp Amata ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là một trong số năm khu công nghiệp tiên phong xây dựng mô hình sinh thái do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ.
Sau hơn ba năm triển khai, khu công nghiệp này đã có một số thành tựu xanh hóa nhất định, tuy nhiên vẫn vướng mắc về quy định tái sử dụng nước thải cũng như cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh.
Một số khu công nghiệp đang triển khai giải pháp sinh thái hóa có thể kể đến như khu công nghiệp Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng), khu công nghiệp Trà Nóc I&II (TP. Cần Thơ), khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đang vướng ở cơ chế khuyến khích cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khó khăn về tài chính cũng là vấn đề nhiều khu công nghiệp gặp phải, đặc biệt khi triển khai khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi nhiều vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược chính sách tài chính, Bộ Tài chính, hệ thống chính sách tài chính cho khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào năm nhóm là thuế phí, đầu tư, tín dụng, đất đai và một số chính sách khác. Tuy nhiên, chính sách tín dụng vẫn còn rất mờ nhạt.
Bên cạnh đó, còn sự chồng chéo trong chính sách ưu đãi đầu tư cũng như chưa có ưu đãi cho doanh nghiệp, dự án thứ cấp trong khu công nghiệp. Những lý do này khiến hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ xanh hóa ở khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tính đến hiện nay, cả nước có khoảng trên 400 khu công nghiệp tại 61 tỉnh, thành phố và hơn 1 nghìn cụm công nghiệp. Đây là những khu vực trọng điểm thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, cũng là “tổ” của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp đưa ra cam kết chuyển đổi xanh, cắt giảm phát thải nên việc xây dựng, chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng sinh thái là lợi thế lớn để Việt Nam thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, 40 – 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và khoảng 10% địa phương định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới đến năm 2030.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ sang khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi chính sách hỗ trợ, khuyến khích đủ mạnh, trước tiên là gỡ khó về nguồn vốn. Ông Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, đề xuất cần thêm chính sách giúp khu công nghiệp sinh thái tiếp cận tín dụng xanh để tránh bỏ lỡ xu thế đầu tư xanh của thế giới.
Nhật Phạm