Năm 2023, thị trường bất động sản bao trùm trong gam màu xám, dự án bị đình trệ, nguồn cung và sức cầu mọi phân khúc đều giảm, thanh khoản thị trường ở mức thấp. Từ đó, khiến doanh nghiệp bất động sản phải chật vật chuyển mình để thích nghi với những gập ghềnh.
Do vậy, không như mọi năm, nay nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chọn phương án giảm tiền thưởng Tết để chia sẻ khó khăn cùng công ty.
MONG CHỜ ĐỒNG THƯỞNG TẾT
Cứ đến tháng 12 âm lịch, nhiều người lao động đang trông chờ vào số lương của tháng cuối năm và tiền thưởng Tết sau một năm cống hiến cho công ty. Anh Đặng Văn Hùng (35 tuổi), nhân viên một công ty bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng đang trong cảm xúc đó, dù biết năm nay số tiền thưởng sẽ không nhiều như mọi năm.
Khi thị trường đang trong thời kỳ khó khăn, công ty của anh Hùng đã phải thực hiện nhiều thay đổi. Chi nhánh nơi anh làm việc phải chuyển về văn phòng nhỏ hơn và cắt giảm một số nhân sự để tiết kiệm chi phí. Dù vậy, ban lãnh đạo vẫn cố gắng lo thưởng Tết cho lao động trong công ty.
“Tôi đang mong số tiền thưởng sớm về tay mình, dẫu biết không nhiều như năm ngoái, nhưng cũng có chút ít để sắm sửa Tết cho gia đình. Thực tế, không phải ai cũng may mắn như tôi, nhiều người trong nghề với tôi đang còn gặp cảnh chậm lương, thậm chí là nợ lương”, anh Hùng bày tỏ.
Không riêng anh Hùng, nhiều nhân viên bất động sản khác đang được các doanh nghiệp gấp rút lo khoản tiền thưởng Tết. Chị Nguyễn Thịnh (30 tuổi) là môi giới bất động sản của một công ty tại Hà Đông cho biết, công ty đã có thông báo cho mọi người về mức thưởng tết năm nay, tuy không nhiều như mọi năm, nhưng cũng có tinh thần động viên chia sẻ với cán bộ nhân viên.
“Tôi rất vui vì vẫn có thưởng Tết, dù không phải con số lớn lao, đối với tôi đó là sự khích lệ. Bởi công ty đang trong giai đoạn khó khăn, cố gắng sắp xếp lương thưởng cho anh chị em như thế này là mừng lắm rồi”, chị Thịnh bộc bạch.
Trái với anh Hùng, chị Thị, anh Nguyễn Thế Đông là nhân viên kinh doanh của công ty bất động sản tại Thanh Hoá còn chưa nhận được lương tháng 12 dương lịch. Thị trường trầm lắng thì tình hình hoạt động công ty cũng không thể khả quan được, do đó, công ty anh Đông đã có thông báo tới cán bộ công nhân viên về việc chậm lương vào cuối tháng trước.
“Việc chậm lương tôi không mấy ngạc nhiên. Vì công ty hoạt động ở tỉnh lẻ, phân khúc mua bán chủ yếu là đất nền, mà sau cơn sốt, thị trường này lại rất ảm đạm. Tôi chỉ mong muốn có đủ lương và công ty sớm lấy lại phong độ như trước, còn thưởng Tết, nếu có thì tốt, còn không cũng chẳng sao”, anh Đông chia sẻ.
Người này còn cho biết thêm, một số đồng nghiệp của mình đã bỏ việc từ giữa năm, người thì chuyển hướng kinh doanh, người đi nước ngoài, có người vào xí nghiệp. Anh Đông chọn ở lại vì yêu nghề và muốn gắn bó với nó.
DUY TRÌ TRẢ LƯƠNG LÀ CẢ MỘT VẤN ĐỀ…
Đánh giá về sức khỏe doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, Tổng giám đốc SGO Homes cho rằng, năm 2023 là năm cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Có tới 80% các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động không hiệu quả, khả năng lợi nhuận nằm ở con số âm. Để các doanh nghiệp duy trì việc trả lương đang là một vấn đề nan giải.
“Mọi năm thị trường bất động sản phát triển mạnh, tất niên cuối năm còn rầm rộ, mức thưởng Tết cao, từ 2 – 3 tháng lương là chuyện bình thường, song trong năm nay, chuyện này sẽ hiếm và gần như là khó xảy ra. Phần lớn các doanh nghiệp cũng chỉ hỗ trợ để trả lương, còn thưởng Tết chỉ là quà khích lệ chứ không hẳn là thưởng”, ông Chung bày tỏ.
Đồng quan điểm với ông Chung, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), năm nay là một năm rất khó khăn từ nền kinh tế đến các doanh nghiệp, các đơn vị đầu tư. Thực tế, các doanh nghiệp bất động sản đang cố gắng chi trả lương, và thêm vào đó là lương tháng thứ 13. Đó là một sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp, còn kỳ vọng thưởng lớn như thời gian thị trường phát triển mạnh mẽ là điều không thể.
“Bởi cả năm 2023 là điểm đáy của thị trường, tất cả mọi thứ đều rất gian nan. Các doanh nghiệp bất động sản doanh thu rất khiêm tốn, công việc cũng hạn chế. Theo quan sát tôi, hoạt động kinh doanh của các đơn vị đối tác, các đơn vị bạn đều nằm trong gam màu xám, cho nên vấn đề thưởng cũng rất hãn hữu. Dù vậy vẫn sẽ có số ít doanh nghiệp vẫn sẽ thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên của mình. Với tình hình của các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua, tôi dự đoán có đến 90% doanh nghiệp không thưởng Tết hoặc thưởng rất ít”.
Chia sẻ thêm về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Toản cho rằng, thị trường đang có những tín hiệu tích cực.
Thứ nhất vừa qua, quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), 3 luật này rất quan trọng đối với thị trường bất động sản.
Với việc thông qua ba cái luật này đã tạo hành lang pháp lý cho các dự án có thể triển khai được sớm và tháo gỡ vướng mắc các dự án đang bị “tắc”.
Thứ hai, lãi suất tiết kiệm đang giảm nhiều so với đầu và giữa năm 2023, một số ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm từ 5-6%/năm còn lãi.
Cùng với đó, lãi suất huy động cũng đang ở mức khá thấp. Với dòng tiền rẻ như trên là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.
Thứ ba, giá các sản phẩm trên thị trường bất động sản cũng đang đi xuống, một số phân khúc đầu tư xuất hiện các sản phẩm giá rẻ, do một số nhà đầu tư không chịu được sức ép từ tài chính và bắt buộc phải bán tháo. Ông Toản nhận định, điều này cũng tạo nên sự tích cực cho thị trường.
Tuy nhiên, vị Tổng Giám đốc cho biết, thị trường vẫn sẽ tồn tại những hạn chế như thiếu nguồn cung, ví dụ phân khúc có nhu cầu ở thực gần như rất ít và không có. Nên giá nhà ở riêng lẻ trong nội đô các thành phố lớn tăng rất cao.
Bên cạnh đó, tháo gỡ pháp lý không thể giải quyết tức thì, phải đến 2025 các bộ luật vừa thông qua có hiệu lực. Do vậy, nửa đầu 2024 thị trường vẫn khó khăn, khả năng cao đến cuối năm 2024 mới sáng suốt.
Phan Mỹ