Xu hướng xây dựng công trình tương lai

Ngành xây dựng được dự báo sắp trải qua một cuộc chuyển đổi quan trọng khi ngày càng nhiều công cụ kỹ thuật số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)… đang đóng góp vào xu hướng xây dựng những công trình tương lai.

Những công trình mang bóng dáng khoa học viễn tưởng

Đầu tháng 11 vừa qua, Saudi Arabia đã khởi công xây dựng tòa nhà Mukaab trị giá 50 tỷ USD tại Thủ đô Riyadh, sau khi hoàn thành sẽ trở thành “tòa nhà lớn nhất thế giới”. Theo CNN, tòa nhà chọc trời hình khối cao 400 m ở quận al-Qirawan của Riyadh, với diện tích lên tới 18,5 ha, sẽ sử dụng AI để tạo ra những “trải nghiệm cuộc sống công nghệ” mới lạ cho cư dân và du khách. Dự án Mukaab dự kiến tạo ra hơn 334.000 việc làm mới và đóng góp hàng tỷ USD vào thu nhập nội địa của Saudi Arabia. Công ty phát triển New Murabba phụ trách dự án này cho biết công trình sẽ hoàn thành vào năm 2030.

Đây là một trong những dự án đột phá trong làn sóng xây dựng mang tính tương lai trên khắp quốc gia Arab này. Saudi Arabia cũng đã lên kế hoạch xây dựng hàng loạt “công trình tương lai” khác trên khắp bán đảo, bao gồm thành phố cảng nổi Oxagon nằm bên bờ Biển Đỏ, điểm đến du lịch trên núi Trojena và một thành phố tương lai ở phía tây bắc đất nước có tên là Neom. Công ty điều hành dự án Neom cho biết, sẽ sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp cho toàn bộ hệ thống vận hành cơ sở hạ tầng tại đây. Trước đó, giới chức đất nước Arab giàu có cũng đã triển khai xây dựng tòa nhà “The Line” nổi tiếng - tòa nhà siêu dài sử dụng năng lượng tái tạo với kinh phí dự kiến lên tới 1.000 tỷ USD để thực hiện.

Mỗi khi được công bố, bản thiết kế của những công trình này đều thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, thoạt nhìn giống với những hình ảnh trong phim khoa học viễn tưởng hơn là dự án thực tế. Bản thiết kế cho thấy những công trình, phương tiện giao thông, bến bãi, nhà ga, sân bay... mang tính siêu thực. Tuy nhiên, giới chức Arabia Saudi đã “mạnh tay” chi cho các dự án lớn này, thể hiện quyết tâm đi đầu trong xu hướng xây dựng công trình tương lai. Chẳng hạn, Oxagon có thiết kế là một thành phố hình bát giác nổi trên Biển Đỏ. Trọng tâm chính của thành phố là hoạt động công nghiệp, với tầm nhìn biến nơi này thành cơ sở hậu cần và sản xuất, do vậy các nhà hoạch định đã lên kế hoạch sử dụng nhiều máy móc công trình, ứng dụng AI…

Trong khi đó, khu tổ hợp thể thao, giải trí Trojena lại được phác thảo như một điểm đến du lịch miền núi với những trò chơi mạo hiểm như thể thao dưới nước, trượt tuyết hay đi bộ đường dài, kết hợp các điểm nghỉ chân thư giãn hiện đại bậc nhất như trung tâm game giải trí và khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Dự kiến, Thế vận hội mùa đông châu Á sẽ được lên kế hoạch tổ chức tại đây vào năm 2029. Ngoài ra, dự án nghỉ dưỡng hạng sang trên đảo Sindalah, một điểm đến du lịch khác của Saudi Arabia, lại được quy hoạch kết hợp bến du thuyền và câu lạc bộ du thuyền, sân golf, các địa điểm mua sắm và nhà hàng xa xỉ, hướng đến phục vụ những tầng lớp dân cư có thu nhập cao…

Đóng góp vào xu hướng trên, hôm 20/11, Qatar vừa khởi công công viên chủ đề “Land of Legends Qatar” (Vùng đất huyền thoại), được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những công viên chủ đề lớn nhất và hiện đại nhất tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi. “Land of Legends” là một phần của dự án Simaisma có quy mô lớn trải dọc theo bãi biển dài 7 km, cách Thủ đô Doha 30 km về phía bắc. Ông Abdullah bin Hamad bin Abdullah Al Attiyah, Chủ tịch Công ty đầu tư bất động sản Qatari Diar, một trong những đơn vị chủ trì dự án, nhấn mạnh rằng “Land of Legends” là một phần không thể thiếu trong chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế của Qatar. Ông tin rằng công viên sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo, thu hút đông đảo du khách và đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch.

Xu hướng xây dựng công trình tương lai ảnh 1

Thành phố cảng nổi Oxagon đang trong thời gian thi công.Ảnh: GETTY IMAGES

Tương lai của ngành xây dựng

Trên sa mạc Texas (Mỹ), Công ty xây dựng Icon của Mỹ đang xây công trình tổ hợp El Cosmico bao gồm khu khách sạn và nhà ở cho dân cư trên diện tích 24 ha, tất cả đều được triển khai bằng công nghệ in 3D. Một máy in 3D khổng lồ cao 5 m, dài 14 m, hoạt động ngày đêm trên công trường xây dựng, dùng cánh tay robot để phủ hỗn hợp xi-măng dành riêng cho máy in thành từng lớp để tạo nên các bức tường của khu tổ hợp khách sạn và nhà ở này. Một công trình như vậy thường khó thực hiện trên sa mạc nếu chỉ bằng các phương pháp xây dựng truyền thống do thiếu nhân công và nguyên vật liệu, cũng như yêu cầu về mặt kiến ​​trúc và chi phí tốn kém. Song, với độ chính xác và tính linh hoạt của công nghệ in 3D, các nhà phát triển đã có thể thực hiện được ngày càng nhiều công trình tương tự.

Tổng Giám đốc điều hành của ICON, ông Jason Ballard nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành xây dựng, cũng như yêu cầu cao hơn đối với công nhân, người giám sát xây dựng… “Những công nhân lành nghề điều chỉnh hỗn hợp xi-măng dựa trên điều kiện thời tiết, bảo đảm khả năng in và độ bền tối ưu. Công nhân phải theo dõi độ ẩm, nhiệt độ và lượng ánh sáng mặt trời có thể ảnh hưởng đến chất lượng vật liệu, đòi hỏi phải hiểu biết sâu sắc về cả công nghệ và môi trường”, ông Ballard cho biết. Theo ông, dù máy móc đã được tự động hóa phần lớn, vẫn cần bàn tay con người để hoàn thiện, biến các cấu trúc in 3D thành không gian kiến trúc hợp lý.

Đặc biệt, ưu thế của việc ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chính là khả năng xử lý địa hình để tạo nên những công trình độc đáo. “Cho dù ở địa hình, bối cảnh nào, các kiến trúc sư có thể thêm vào chi tiết thủ công, đưa vật liệu địa phương vào thiết kế và hòa hợp cảnh quan liền mạch với bối cảnh. Đã có nhiều dự án xây dựng trên sa mạc là minh chứng cho tiềm năng của công nghệ hiện đại trong ngành xây dựng, giúp cải thiện về tốc độ và hiệu quả, cũng như mở ra những cấp độ sáng tạo mới và vượt qua ranh giới của thiết kế kiến ​​trúc”, ông Ballard nhận định.

Nhìn chung, những dự án xây dựng nói trên đều đòi hỏi số vốn đầu tư cực lớn, với những yêu cầu thiết kế và công nghệ hàng đầu, được kỳ vọng không chỉ thay đổi bộ mặt các quốc gia Arab vốn giàu có nhờ xuất khẩu dầu mỏ, tạo công ăn việc làm trong nước; mà còn là những bước đi đột phá giúp tạo điểm nhấn và góp phần đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển ngành du lịch của các quốc gia này trong quá trình chuyển dịch sang ngành dịch vụ.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xây dựng đóng góp khoảng 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu (số liệu năm 2022). Tuy nhiên, ngành này vẫn tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề như thiếu hụt lao động, chi tiêu quá mức và tác động tiêu cực đến môi trường, tất cả đều đòi hỏi các giải pháp sáng tạo, đổi mới công nghệ. Sự phát triển nhanh chóng của AI, robot và máy móc hiện đại khi thi công, cùng với internet vạn vật (IoT) được dự báo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng xây dựng công trình tương lai.

Dù vậy, tương lai của ngành xây dựng không chỉ là phát triển các tòa nhà, mà còn là yêu cầu thiết kế công trình thông minh hơn, bền vững và hài hòa với thiên nhiên hơn, thay vì chỉ tập trung vào công nghệ.

Tin liên quan