Báo cáo của MBS ước tính, hiện tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 193,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.
Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán MBS mới đây ghi nhận hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã chậm lại trong các tháng đầu năm do tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, áp lực này sẽ tăng cao trong thời gian tới khi có khoảng 38.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong quý 1. Sau đó, quý 2 có khoảng 74 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, quý 3 vào khoảng 52 nghìn tỷ đồng và quý 4 khoảng 39 nghìn tỷ đồng.
Cho cả năm 2024, nhóm phân tích ước khoảng 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn, tăng 4% so với năm trước. Trong đó, nhóm bất động sản vẫn là trọng điểm khi chiếm tỷ trọng tới 58%.
Báo cáo của MBS ước tính, hiện tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 193,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ của toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.
Từ sau khi Nghị định 08 cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu ra đời, các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn các phương án tái cấu trúc để xử lý vấn đề thanh khoản trước mắt.
Số liệu từ công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho thấy, có 62% giá trị trái phiếu doanh nghiệp tái cấu trúc với gia hạn gốc/lãi là phương án được áp dụng phổ biến, bên cạnh các phương án cần định giá phức tạp hơn như thanh lý tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản bất động sản hoặc quyền thu.
Một số lô trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận thay đổi các điều khoản như điều chỉnh lãi suất, bổ sung tài sản đảm bảo, cùng các cam kết khác.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings chia sẻ, tính đến ngày 29/2, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ của các tổ chức phát hành phi ngân hàng đến hạn trong các tháng còn lại của 2024 ở mức 240,9 nghìn tỷ đồng. Con số này bao gồm cả gốc và lãi dự kiến và sau khi đã thực hiện giãn hoặc tái cơ cấu, bao gồm cả theo Nghị định 08.
Mặc dù con số tuyệt đối đã giảm đi khá nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm và trước khi thực hiện tái cơ cấu nhưng có thể nói rủi ro vẫn còn hiện hữu với các nhà đầu tư hiện đang sở hữu những lô trái phiếu đó.
Giá trị đáo hạn cho cả 3 nhóm ngành bất động sản, xây dựng, du lịch và giải trí hiện mức 186,6 nghìn tỷ đồng sẽ đáo hạn trong các tháng còn lại của năm 2024.
Đây là những ngành theo FiinRatings vẫn còn gặp nhiều khó khăn và quan trọng hơn là chất lượng các tổ chức phát hành về cơ bản ở mức thấp và có nhiều công ty dự án với tiềm lực tài chính còn mỏng hoặc mới đi vào hoạt động.
Do đó, rủi ro hay tác động đến nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư cá nhân là vẫn hiện hữu.
Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, FiinRatings cũng kỳ vọng kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ sôi động hơn năm 2023 vì nhiều lý do.
Thứ nhất, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Thứ hai, môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn. Thứ ba, nguồn cung trái phiếu sẽ được mở rộng. Và cuối cùng là niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện.
Theo ông Thuân, để duy trì đà phục hồi và thị tăng trưởng một cách ổn định, bền vững và góp phần huy động nguồn lực trong dân cho đầu tư phát triển kinh tế dài hạn thì mấu chốt vẫn là việc phát triển hoặc khai thông cơ sở nhà đầu tư tổ chức cho trái phiếu riêng lẻ.
Song song với đó là các giải pháp quyết liệt hơn cho việc đẩy mạnh kênh chào bán rộng rãi ra công chúng và hướng đến bất kỳ đối tượng nào quan tâm đến kênh sản phẩm thu nhập cố định như trái phiếu doanh nghiệp.
Trần Anh