Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt các xu thế mới trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiên tiến.
Hơn 20 năm trước, doanh nghiệp EU chủ yếu tìm kiếm nhà cung ứng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, những biến động địa chính trị toàn cầu cùng sự phát triển của các nền kinh tế khác khiến ngày càng có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch thiết lập chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro và tăng cường kiểm soát chất lượng.
Bên cạnh đó, yếu tố bền vững, bao gồm trách nhiệm xã hội, môi trường ngày càng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu khi thiết lập chuỗi cung ứng, theo ông Sam Hui, Phó chủ tịch Công ty Global Sources.
Những xu thế mới đó tạo ra cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Theo bà Hương Trần, Trưởng phòng tư vấn về chuỗi cung ứng, Công ty tư vấn Source of Asia, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam để thiết lập cứ điểm sản xuất các sản phẩm, linh kiện liên quan đến kỹ thuật số.
Bà Hương lý giải, Việt Nam có lợi thế nhờ vào chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tốt, triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, sở hữu thế mạnh trong một số lĩnh vực công nghiệp như điện tử, may mặc, sản xuất máy móc, trang thiết bị.
Đồng quan điểm, Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), cho biết, Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng chứng rõ nét là sự hiện diện của một loạt các ông lớn từ như Samsung, Intel, Sony, Foxconn.
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt tham gia không nhiều vào công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển, khiến nhiều cơ hội bị bỏ lỡ vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Để tận dụng cơ hội từ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện Source of Asia đánh giá, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao tay nghề cho người lao động, tiến đến nâng cao chất lượng sản xuất, đáp ứng những tiêu chuẩn ở thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, nhanh chóng bắt kịp những tiêu chuẩn liên quan đến tính bền vững để tuân thủ quy định mới tại các thị trường tiên tiến như Mỹ, EU. Hiện nay, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của EU đang là bài toán khó đặt ra cho nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Thực tế, những tiêu chuẩn quốc tế ngày càng gia tăng, không chỉ nhằm đáp ứng mục tiêu môi trường, xã hội mà còn là biện pháp để các thị trường lớn bảo vệ ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh thuế suất giảm dần về 0 khi thực thi các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, nếu không chủ động, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Bà Hương khuyến nghị, doanh nghiệp có thể bắt đầu với những đơn hàng nhỏ để tập làm quen và thích ứng với tiêu chuẩn thị trường quốc tế. Ngoài ra, cần chú trọng cập nhật đầy đủ thông tin, đảm bảo tính minh bạch nhằm duy trì niềm tin của khách hàng, đối tác.
Mặt khác, theo bà Hương, doanh nghiệp cũng cần có những biện pháp linh động hóa chuỗi cung ứng, thay vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc mua từ một số ít nhà cung ứng trong nước, để giảm thiểu rủi ro khi sản xuất, kinh doanh.
Còn theo ông Sam Hui, điều đặc biệt cần thiết đối với doanh nghiệp là hiểu rõ những xu hướng mới trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng của nhà mua hàng quốc tế. Đây là yếu tố tạo nền tảng để doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp, duy trì năng lực cạnh tranh và hấp dẫn khách hàng.
Hoàng Đông