Cảnh báo cho Việt Nam sau khi vuột mất các ông lớn công nghệ

Nếu trong 1 – 2 năm tới, Việt Nam không thể chuyển hóa cơ hội thành hiện thực thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến các nước trong khu vực.

Thời gian gần đây, khu vực ASEAN đã ghi nhận nhiều quyết định đầu tư lớn từ các doanh nghiệp lớn của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đơn cử, đầu tháng trước, Amazon Web Services (AWS) cho biết dự kiến sẽ chi gần 9 tỷ USD để mở rộng hạ tầng đám mây tại Singapore, nâng tổng mức đầu tư ở đây lên tới gần 17 tỷ USD tới năm 2028.

Không lâu sau, Google thông báo rót 2 tỷ USD vào Malaysia để xây dựng trung tâm dữ liệu, ghi nhận khoản đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp này trong 13 năm hoạt động tại đây.

Điều đáng chú ý là trước khi công bố các khoản đầu tư trên, các tập đoàn của Mỹ đã cân nhắc và xem xét Việt Nam trong khoảng thời gian khá lâu.

Thông tin này được bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho biết tại diễn đàn về đa dạng hóa chuỗi cung ứng mới đây.

Bà cho biết thêm, điều đáng tiếc với Việt Nam không chỉ nằm ở con số đầu tư rất lớn mà còn ở hệ sinh thái theo sau. Lý do là bởi trung tâm dữ liệu lớn như vậy khi được thiết lập sẽ trở thành nơi thu hút các doanh nghiệp khác như các nhà phát triển về trí tuệ nhân tạo, phần mềm, dữ liệu.

Cùng với đó, vì trung tâm dữ liệu rất tốn kém nên khi doanh nghiệp đã đầu tư vào một nước trong ASEAN thì cơ hội để những nước còn lại có thêm nguồn vốn từ doanh nghiệp đó sẽ rất khó khăn.

“Việt Nam có nhiều thứ về hạ tầng chưa sẵn sàng. Xây dựng trung tâm dữ liệu đòi hỏi nhiều năng lượng, đặc biệt là điện sạch trong khi Việt Nam lại chưa sẵn sàng”, bà Lâm phân tích.

“Sự dịch chuyển đang diễn ra và sẽ chỉ diễn ra trong vòng 1 – 2 năm tới. Nếu chúng ta không hành động nhanh, cơ hội sẽ trôi qua. Nếu không thể chuyển hóa cơ hội thành hiện thực thì các nhà đầu tư sẽ tìm đến chỗ khác”, bà Lâm nhấn mạnh thêm.

Cảnh báo cho Việt Nam sau khi vuột mất các ông lớn công nghệ
Nếu Việt Nam không hành động nhanh, dòng đầu tư sẽ chuyển hướng sang nước khác. Ảnh: Hoàng Anh

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã nhấn mạnh trong các cuộc gặp với lãnh đạo chính phủ Việt Nam rằng Việt Nam là điểm đến, là nơi thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, có cơ hội trở thành trung tâm của khu vực về sản xuất, đặc biệt là sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao.

Sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, các doanh nghiệp Mỹ rất hào hứng và chờ đợi phía Việt Nam có những chính sách đột phá, thật sự tạo ra môi trường hấp dẫn cho các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn.

Cùng với đó, phía Mỹ cũng muốn thông qua những FDI chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất điện tử để xây dựng, đẩy mạnh các nền tảng cung ứng, kết nối các công ty Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù vậy, bà Lâm lưu ý, cơ hội này có thể chỉ kéo dài 1 – 2 năm và Việt Nam không phải là nước có lợi thế duy nhất mà còn phải cạnh tranh với rất nhiều nước khác trong khu vực.

Giải pháp tăng sức cạnh tranh

Đại diện USABC đề xuất, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ, thậm chí cần mang tính đột phá trong bối cảnh các quốc gia khác đang đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ và táo bạo. 

Một trong những chính sách có thể áp dụng là cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới theo cơ chế sandbox trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng luật khuyến khích công nghiệp công nghệ số cũng như chiến lược phát triển ngành bán dẫn.

Về phía doanh nghiệp, bà Lâm khuyến nghị, các doanh nghiệp cần phải nhanh nhạy, chuẩn bị sẵn sàng để chuyển mình, nắm bắt các xu thế mới, tạo thêm lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước và Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn. 

Chuỗi cung ứng ‘chạy’ tới ASEAN, Việt Nam đang ở đâu?

Tin liên quan