Cuộc chiến thị phần giữa Shopee, TikTok và Lazada

TikTok đang nổi lên như một tay chơi đáng gờm tại thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, nhất là sau khi doanh nghiệp này đầu tư vào Tokopedia để cạnh tranh với Shopee.

Theo báo cáo thương mại điện tử 2024 của Momentum Works tại khu vực Đông Nam Á, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên 8 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất đã tăng 15% so với năm ngoái, đạt quy mô 114,6 tỷ USD.

Trong đó, Việt Nam và Thái Lan hiện là hai thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực, với tổng giá trị giao dịch tăng lần lượt 52,9% và 34,1%. Việt Nam cũng đã vượt Philippines để trở thành thị trường lớn thứ ba khu vực.

Mặc dù Indonesia vẫn giữ vững vị trí số một với 46,9% tổng giá trị giao dịch toàn khu vực, nhưng tốc độ tăng trưởng của quốc gia này đã chậm lại, chỉ tăng 3,7%.

Nhìn sâu vào hoạt động kinh doanh của các đơn vị thương mại điện tử trong khu vực, Shopee tiếp tục dẫn đầu thị trường với 48% thị phần, đạt 55,1 tỷ USD. Trong khi đó, Lazada và Tokopedia lần lượt đạt 18,8 tỷ USD và 16,3 tỷ USD.

Đáng chú ý nhất là bước nhảy vọt của TikTok Shop, khi nền tảng này đã tăng trưởng gần bố lần so với năm trước, đạt 16,3 tỷ USD. Nếu gộp chung thị phần cả TikTok Shop và Tokopedia sau khi TikTok hoàn tất thương vụ mua lại Tokopedia vào đầu năm nay, thì "thế lực" mới này đang nắm giữ thị phần lớn thứ hai trong khu vực.

Ông Jianggan Li, CEO Momentum Works đánh giá, TikTok đã trở thành một tay chơi đáng gờm tại Đông Nam Á. Vị chuyên gia dự đoán, năm nay tùy thuộc vào mức độ hợp nhất với Tokopedia, TikTok Shop có thể trở thành người chơi hàng đầu tại Indonesia.

Shopee đang bị bám đuổi bởi đối thủ lớn nhanh như thổi
Shopee đang bị bám đuổi bởi đối thủ lớn nhanh như thổi là TikTok Shop - Ảnh: Momentum Works

Kể từ khi bước chân vào lĩnh vực thương mại điện tử năm 2021, TikTok đã tích cực tuyển dụng nhân sự tại Đông Nam Á, trong khi các đối thủ hiện tại đang cắt giảm nhân lực để hướng tới lợi nhuận.

Đến năm ngoái, TikTok đã tăng gấp 4 lần số lượng nhân viên, lên hơn 8.000 người, ngang bằng với Lazada, theo Momentum Works.

Hiện tại, TikTok đã phát triển tính năng thương mại điện tử bằng cách tận dụng chức năng livestream, nơi các nhà bán hàng giới thiệu đa dạng sản phẩm từ mỹ phẩm, thời trang đến đồ gia dụng, giúp người dùng mua sắm trực tiếp.

Ở chiều ngược lại, Shopee vốn đang cắt giảm chi phí để hướng tới lợi nhuận cũng phải chuyển hướng để bảo vệ thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt từ TikTok. Sea - công ty mẹ của Shopee, tuyên bố sẽ đẩy mạnh đầu tư vào khả năng livestream và logistics.

Tại Việt Nam, sự lớn mạnh của TikTok Shop là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo từ sớm, khi vào quý 2 năm ngoái, nền tảng này đã vượt qua Lazada và vươn lên thành sàn thương mại điện tử lớn thứ hai trong nước, chỉ sau Shopee.

Còn nhớ thời điểm mới ra mắt được 4 tháng tại Việt Nam, doanh thu Tiktok Shop tương đương với 80% doanh thu của Lazada trong quý IV/2022. Tới quý I/2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu và nhanh chóng vượt qua Lazada trong quý II/2024.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của TikTok Shop tại Việt Nam là minh chứng cho thấy tiềm năng của thị trường mua sắm trực tuyến, cũng như nhu cầu tiêu dùng hồi phục.

Kết quả này có được nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới trong năm 2023, điển hình là livestream và bán hàng đa kênh, đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng.

Tất nhiên, vẫn tồn tại những rào cản trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo chuyên gia của Metric.vn, rào cản lớn nhất liên quan đến mức độ cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử, khi cùng một loại sản phẩm có tới hàng trăm doanh nghiệp đăng bán.

Rào cản khác có thể kể đến là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế thương mại điện tử nói chung.

Bên cạnh đó, tâm lí lên sàn thương mại điện tử để mua những sản phẩm giá rẻ và không quá quan trọng vẫn còn hằn sâu trong tâm lý của người tiêu dùng. 

Cuối cùng, sự phát triển không đồng đều giữa các tỉnh thành cũng khiến nhiều doanh nghiệp địa phương chưa tiếp cận được nền tảng thương mại điện tử một cách bài bản, chính xác.

Kiềng ba chân trong kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử