Lỗ bán niên 14 tỷ đồng, Thủy điện Hủa Na khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2024

Tính chung 6 tháng đầu năm, Thủy điện Hủa Na mang về 206 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế ghi nhận 14 tỷ đồng, đã giảm hơn so với khoản lỗ 46 tỷ năm ngoái nhưng vẫn là tín hiệu kém khả quan cho doanh nghiệp...

Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã chứng khoán: HNA) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Trong đó, doanh thu thuần của công ty trong kỳ ghi nhận 103 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ.

Lý giải về kết quả tăng trưởng doanh thu, Thủy điện Hủa Na cho biết lưu lượng nước về hồ tuy chỉ đạt 18,93 m3/s tương đương 55,1% cùng kỳ nhưng sản lượng điện lại đạt 81,33 triệu kWh, cao hơn so với năm ngoái.

Dù doanh thu tăng trưởng nhờ sản lượng điện gia tăng nhưng giá vốn cũng tăng theo, chiếm 105,8 tỷ đồng. Kết quả, Thủy điện Hủa Na báo lỗ gộp 2,6 tỷ đồng trong quý 2/2024, nhưng cũng đã cải thiện hơn con số lỗ gộp 11 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp giảm mạnh 54% so với cùng kỳ, xuống còn 2,3 tỷ đồng. Chi phí cho hoạt động này cũng giảm mạnh 79% so với cùng kỳ, xuống còn 2,1 tỷ đồng, chủ yếu là giảm chi phí lãi vay. Các chi phí khác như chi phí bán hàng trong kỳ này không ghi nhận, trong khi chí phí quản lý doanh nghiệp không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi khấu trừ chi phí, doanh nghiệp ngành thủy điện này báo lỗ sau thuế 10 tỷ đồng, nhưng cũng giảm đáng kể so với mức lỗ 24 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thủy điện Hủa Na mang về 206 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế ghi nhận 14 tỷ đồng, đã giảm hơn so với khoản lỗ 46 tỷ năm ngoái nhưng vẫn là tín hiệu kém khả quan cho doanh nghiệp.

Kết quả thua lỗ của Thủy điện Hủa Na trong nửa đầu năm đã sớm được các tổ chức dự báo do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino khiến tình hình thuỷ văn không thuận lợi và sản lượng điện được huy động thấp hơn mọi năm. Nhưng tình hình sẽ được cải thiện từ nửa cuối năm nay khi La Nina xác suất cao sẽ quay trở lại từ quý 3, từ đó hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh các nhà máy thuỷ điện, bao gồm cả Hủa Na.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Thủy điện Hủa Na đạt 3.396 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp tăng gấp 3,2 lần, lên 302,4 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 71%, về còn 102 tỷ đồng do thu được tiền từ Công ty Mua bán điện (EPTC).

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cuối kỳ ghi nhận hơn 44 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, chủ yếu là chi phí xây dựng công trình nhà máy thủy điện Hủa Na.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Thủy điện Hủa Na tăng mạnh 72% so với đầu năm, lên mức 437 tỷ đồng. Nợ phát sinh mạnh khoản phải trả ngắn hạn khác tăng từ gần 7,6 tỷ đồng lên tới 246 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 32 lần. Ngoài ra, Thủy điện Hủa Na còn 77 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 62 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

anh-chup-man-hinh-2024-07-21-luc-152828-8898.png
Diễn biến thị giá cổ phiếu HNA trong thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu HNA hiện đang ghi nhận ở mức 27.100 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp thủy điện này trên thị trường ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, với điều kiện thủy năng dồi dào, Việt Nam có thể khai thác tối đa công suất đạt từ 30.000 MW đến 38.000 MW và điện năng có thể khai thác lên đến 120 tỷ kWh/năm. Hiện có 41 nhà máy thủy điện có công suất từ 100 MW trở lên, với tổng công suất 24.330 MW.

Tính tới cuối năm 2023, tổng công suất đạt 22.878 MW và sản lượng điện hàng năm đạt 80,9 tỷ kWh. Định hướng năm 2050, tổng công suất thủy điện đạt 36.016 MW, sản xuất 114,8 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, nhược điểm của thủy điện là chịu ảnh hưởng của thời tiết như El Nino, La Nina.

TPS cho biết, trong năm 2023, do tình hình thủy văn có nhiều diễn biến bất lợi nên nhiều hồ thủy điện toàn quốc có lượng nước về rất ít, lưu lượng nước 4 tháng đầu năm 2023 ở các hồ thủy điện phía Bắc chỉ đạt khoảng 60% - 70% so với trung bình nhiều năm. Các hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng chung hoàn cảnh tương tự, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng công suất huy động từ thủy điện.

Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 80.555 MW, tăng gần 2.800 MW so với năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ công suất đặt do EVN và các GENCOs thuộc EVN sở hữu chỉ 29.966 MW - chiếm tỷ trọng 37,2% công suất toàn hệ thống.

Tương tự, trong quý 1/2024, do ảnh hưởng của thời tiết, điều kiện thủy văn không thuận lợi nên nguồn điện than, năng lượng tái tạo và khí được tăng cường huy động. Bên cạnh đó, điện nhập khẩu cũng tăng lên. Cụ thể, nhập khẩu toàn hệ thống đạt 69,34 tỷ kWh, cao hơn 1,35 tỷ kWh so với kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ 2023.

Theo dự báo của NOAA, 85% khả năng chu trình ENSO sẽ chuyển sang giai đoạn trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2024 và sau đó có 60% khả năng La Nina sẽ phát triển từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế (IRI), pha La Nina thường kéo dài từ 9 - 12 tháng, hoặc thậm chí lên đến 2 năm, do đó pha La Nina xác suất cao sẽ kéo dài trong cả năm sau. Hiện tượng La Nina giúp lượng nước dồi dào, sản lượng thủy điện thường tăng lên trong chu kỳ La Nina.

Ngoài ra, lộ trình thị trường điện cạnh tranh của EVN sẽ phát triển theo xu hướng bán trên thị trường cạnh tranh ngày càng nhiều, giảm tỷ lệ bán theo hợp đồng. Do đó, thủy điện sẽ có lợi thế hơn so với nhiệt điện do giá vốn thấp hơn.