Cuộc đua giành thị phần của Viettel Post, VNPost, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, J&T Express ngày càng khốc liệt.
Thị trường bưu chính, chuyển phát Việt Nam bứt phá với tốc độ tăng trưởng trung bình 23% mỗi năm trong năm năm qua.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có dấu hiệu chững lại vào năm ngoái khi doanh thu đạt 58.900 tỷ đồng, chỉ tăng 9,3% so với năm 2022.
Thương mại điện tử bùng nổ là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành bưu chính và chuyển phát nhanh trong nước. Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao dẫn đến sản lượng bưu gửi phục vụ riêng mảng đơn hàng thương mại điện tử tăng nhanh.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ gói, kiện thương mại điện tử tăng trưởng hơn 1,5 lần so với dịch vụ bưu chính truyền thống, đóng góp 64% tổng doanh thu và chiếm tới 75% tổng sản lượng bưu gửi năm 2023.
Tiềm năng của thị trường chuyển phát nhanh và bưu kiện mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhưng cũng làm gia tăng sự cạnh tranh thị phần khốc liệt giữa các đơn vị trong ngành.
Hiện cả nước có khoảng 700 doanh nghiệp bưu chính cả truyền thống và công nghệ. Trong đó, mười doanh nghiệp dẫn đầu ngành chuyển phát trong nước (không bao gồm phân khúc chuyển phát quốc tế) chiếm đến 74,8% thị phần, phần còn lại do 690 doanh nghiệp nhỏ khác chia nhau.
Điều đáng chú ý là ngay cả thị phần của các doanh nghiệp top 10 cũng biến động không ngừng, cho thấy sự cạnh tranh của thị trường bưu chính, chuyển phát đang rất khốc liệt.
Từ năm 2022, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) vươn lên dẫn đầu về thị phần và tiếp tục gia tăng lên 17,2% trong năm 2023, theo ước tính của Vietdata.
Công ty CP Giao hàng tiết kiệm giữ vị trí thứ hai với 14,5% thị phần, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có phần chững lại.
Vị trí thứ ba thuộc về doanh nghiệp bưu chính truyền thống Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) với 13,8%. Công ty TNHH J&T Express Việt Nam và Công ty CP Dịch vụ giao hàng nhanh giữ các vị trí còn lại khi nắm lần lượt 10,6% và 7,91% thị phần năm 2023.
Đặc điểm dễ nhận thấy đối với năm doanh nghiệp dẫn đầu thị phần là bên cạnh sự cạnh tranh về giá thì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, số hóa dịch vụ và nâng cấp công nghệ là yếu tố then chốt để duy trì, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Còn doanh nghiệp chậm nắm bắt xu hướng, chậm đầu tư công nghệ buộc phải nhường lại thị phần cho đối thủ.
Viettel Post xây chắc ngôi đầu, VNPost tụt dốc
Dù là thành viên của Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel nhưng ViettelPost chỉ có được sự phát triển nhanh, mạnh mẽ sau khi cổ phần hóa.
Nhờ chiến lược linh hoạt, nắm bắt tốt xu hướng thị trường, chiến lược sáng tạo, mở rộng chuỗi cung ứng,…Viettel Post đã tối ưu hóa nguồn lực, gia tăng thị phần, xây chắc vị trí dẫn đầu toàn ngành.
Tuy doanh thu hợp nhất năm 2023 của Viettel Post giảm 9,3% so với cùng kỳ, nhưng doanh thu cung cấp dịch vụ (chủ yếu là bưu chính, chuyển phát) vẫn tăng 12% đạt 10.140 tỷ đồng. Theo đó, thị phần bưu chính của Viettel Post tăng từ 16% năm 2021 lên 17,2% năm 2023.
Từng là ông lớn thống trị ngành bưu chính với lợi thế của một tổng công ty nhà nước nhưng những năm qua VNPost đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát của VNPost liên tục giảm dần trong những năm gần đây và ước còn 8.100 tỷ đồng trong năm 2023 (trên tổng doanh thu của công ty mẹ là 14.400 tỷ đồng). Theo đó, thị phần của VNPost giảm mạnh từ 20,3% năm 2021 xuống còn 13,8% năm 2023.
Nguyên nhân khiến VNPost mất ngôi được lý giải là do sự chậm trễ nắm bắt xu hướng chuyển dịch của thị trường, chậm triển khai ứng dụng công nghệ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong khâu tiếp vận, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm số.
Bước tiến thần tốc của những "hậu sinh"
Một số doanh nghiệp ra đời sau VNPost, Viettel Post nhưng đang có sự phát triển thần tốc nhờ nắm bắt được xu hướng và áp dụng công nghệ sâu, rộng vào vận hành.
Đơn cử như Công ty CP Dịch vụ giao hàng nhanh, ra đời năm 2012 nhưng nhờ chiến lược mở rộng mạng lưới bưu cục lên hơn 710 điểm trên cả nước, cùng việc nâng cấp hệ thống đã tạo được nền tảng vững chắc cho sự bứt phá.
Giao hành nhanh là một trong số ít các doanh nghiệp có sự tăng trưởng doanh số nhanh, ổn định từ sau dịch Covid-19 đến nay. Doanh thu giai đoạn 2021 - 2023 tăng lần lượt 26%, 48% và 28,5% so với năm liền trước.
Theo đó, thị phần của Giao hành nhanh đã dần vượt qua EMS (thành viên của VNPost, chuyên mảng chuyển phát nhanh) khi đang nắm giữ 7,9% thị phần, tăng so với mức 5,4% của 2021.
Một cái tên nổi bật khác là Công ty CP Giao hàng tiết kiệm, dù mới được thành lập năm 2013 nhưng hiện đang nắm giữ thị phần số hai trên thị trường chuyển phát nhanh.
Đặc biệt, Giao hàng tiết kiệm dẫn đầu thị phần trong phân khúc phục vụ chuyển phát cho thương mại điện tử; cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi và thu tiền tận nơi cho các cửa hàng và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Ưu thế của Giao hàng tiết kiệm là tốc độ nhanh, giá cước cạnh tranh và tư duy phục vụ linh hoạt trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, thương hiệu có độ phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên cả nước với quy mô hơn 1.000 trung tâm vận hành và 550 chi nhánh.
Năm 2023, Giao hàng tiết kiệm đạt doanh thu khoảng 8.500 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,3% so với năm trước, thị phần giảm từ 16% năm 2022 xuống còn 14,5%.
Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên dù ra nhập thị trường muộn vào năm 2018 nhưng Công ty TNHH J&T Express Việt Nam đã không ngừng đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, mở rộng mạng lưới và nhanh chóng gia tăng thị phần tại Việt Nam.
Năm 2023 đánh dấu bước tiến vượt bậc của J&T Express khi ghi nhận doanh thu tăng 51,6% so với năm trước, đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ này, J&T Express, nắm trong tay 10,6% thị phần.
Ngành chuyển phát nhanh bứt tốc nhờ Covid-19
Hứa Phương