VNPT sau tái cơ cấu giai đoạn đến hết 2025 hướng tới doanh thu lũy kế 11,3 tỷ USD.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định phê duyệt đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn đến hết năm 2025.
Về hiệu quả kinh doanh, VNPT đặt mục tiêu tổng doanh thu lũy kế toàn tập đoàn đến hết 2025 đạt 287.933 tỷ đồng (tương ứng 11,3 tỷ USD), nộp ngân sách nhà nước 26.046 tỷ đồng.
Đến năm 2025, định hướng của VNPT là trở thành tập đoàn công nghệ lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo, sở hữu và khai thác nền tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia.
Đồng thời, VNPT mong muốn trở thành nhà sáng tạo tiên phong nghiên cứu làm chủ công nghệ số và cung cấp hệ sinh thái số trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, dựa trên thế mạnh về các nền tảng số, công nghệ lõi và an toàn an ninh mạng.
Hiện tại, VNPT đang tiên phong phát triển và ứng dụng các công nghệ cốt lõi (ảo hóa hạ tầng, công nghệ điện toán đám mây, AI/Big Data...) để chuyển đổi mô hình mạng lưới viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới việc cung cấp hạ tầng số, nền tảng cung cấp và kết nối, thông minh hóa sản xuất các sản phẩm dịch vụ số cho nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Về mô hình quản trị, tiếp tục duy trì công ty mẹ - VNPT là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Qua đó, VNPT có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức lại các chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố theo hướng tinh gọn, kinh doanh có hiệu quả; tổ chức lại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ III thành Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực.
Công ty mẹ - VNPT tiếp tục duy trì bệnh viện Bưu điện, bệnh viện đa khoa Bưu điện là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH một thành viên Cáp quang (FOCAL).
Đồng thời, VNPT sẽ tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại các công ty VNPT Technology, CTCP dịch vụ số toàn cầu (GDS), CTCP vật tư bưu điện (POTMASCO), CTCP Truyền thông quảng cáo đa phương tiện (SMJ).
Ngoài ra, tiếp tục nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại: Công ty ACASIA, Công ty ATH, Công ty TNHH VNPT Global HK, CTCP cáp quang Việt Nam, CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), CTCP thiết bị bưu điện (POSTEF)...
Đề án cũng nêu rõ danh mục 26 doanh nghiệp VNPT thoái vốn (tỷ lệ nắm giữ dưới 50% hoặc thoái toàn bộ vốn) gồm: CTCP hạ tầng và dịch vụ Việt Nam (VNISCO), Liên doanh cáp đồng Lào - Việt, Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), CTCP viễn thông VTC, CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY)...
Năm nay, VNPT đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn năm nay đạt 59.089 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm ngoái và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, doanh thu công ty mẹ được kỳ vọng đạt 41.973 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng đặt mục tiêu lãi trước và sau thuế của công ty mẹ đạt lần lượt 4.417 tỷ đồng và 3.534 tỷ đồng. Nộp ngân sách công ty mẹ đạt 3.888 tỷ đồng và kế hoạch vốn đầu tư của công ty mẹ tối đa không quá 9.650 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VNPT trong năm 2023, tổng doanh thu của tập đoàn đạt 54.856 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ, lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng.
Viettel, VNPT, Mobifone được giao nghiên cứu chip bán dẫn
Việt Hưng