Khoản lợi nhuận khác từ hạch toán bán tàu Đại Minh đã giúp Vosco có lãi ròng 284 tỷ đồng trong quý II, tăng mạnh so với mức lãi chỉ 1,1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu thuần trong quý II tăng trưởng tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 1.872 tỷ đồng nhưng Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) do mảng kinh doanh cốt lõi dưới giá vốn nên vẫn lỗ gộp hơn 23 tỷ đồng.
Đây cũng là mức lỗ gộp lớn nhất ghi nhận trong quý của công ty kể từ năm 2018.
Vosco cho biết thị trường tàu hàng khô và tàu container vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng công ty đã bám sát diễn biến, tận dụng tốt các cơ hội của thị trường, nhất là đối với khối tàu dầu, tiếp tục áp dụng các giải pháp trong hoạt động kinh doanh để tăng doanh thu.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Vosco giảm chỉ còn 16 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng được giảm hơn một nửa còn 3,5 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 9% và 21%, lên 17 tỷ đồng và 23 tỷ đồng.
Lợi nhuận "đảo chiều" nhờ thanh lý tàu Đại Minh
Điểm sáng trong báo cáo là khoản lợi nhuận khác hơn 393 tỷ đồng từ việc bán tàu Đại Minh, tàu chở dầu có trọng tải gần 47.150 DWT, được đóng năm 2004 tại Nhật Bản, đã qua sử dụng hơn 20 năm, khó khai thác hiệu quả.
Trong tháng 4, Vosco đã đấu giá công khai tàu này với giá khởi điểm 356 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận từ bán tàu đã giúp Vosco “đảo chiều” báo lãi ròng 284 tỷ đồng trong quý II, tăng mạnh so với mức lãi chỉ 1,1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế sáu tháng đầu năm, Vosco ghi nhận doanh thu 2.970 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 358 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ.
Năm 2024, Vosco thông qua kế hoạch năm với tổng doanh thu 2.440 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 323 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc bán niên, Vosco mới đạt 22% mục tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận năm.
Đến cuối quý II/2024, quy mô tài sản của Vosco ở mức 3.247 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 20% so với đầu năm.
Đáng chú ý, nguồn lực tài chính tăng mạnh khi tiền mặt tăng từ 153 tỷ đồng lên gần 608 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 28%, lên 725 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng cũng tăng gấp đôi lên 424 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Vosco cũng tăng hơn 18%, lên 1.235 tỷ đồng. Vosco là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành không có nợ vay, nhưng nợ phải trả của công ty tập trung nhiều ở phải trả người bán ngắn hạn 476,5 tỷ đồng và phải trả dài hạn khác 518,5 tỷ đồng.
Về chiến lược phát triển năm 2024, Vosco cho biết sẽ tập trung vào công tác phát triển đội tàu, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, tập trung nguồn lực tài chính để tìm kiếm, thuê thêm tàu về khai thác phù hợp bằng nhiều hình thức hoặc đầu tư thêm tàu.
Hiện nay, Vosco đang thuê hai tàu dầu sản phẩm cỡ 50.000 DWT, hai tàu dầu/hoá chất cỡ 13.000 DWT và một số tàu hàng khô. Ngoài ra, Vosco dự kiến sẽ trả lại hai tàu Đại An và Đại Phú trong năm 2024 do hết hợp đồng thuê.
Trên sàn giao dịch, cổ phiếu VOS đang bước vào nhịp điều chỉnh khá bất ngờ trong hai phiên gần đây sau đà tăng mạnh trước đó. Trong hai phiên ngày 16-17/7, cổ phiếu VOS đã giảm lần lượt 5,66% và 7% xuống mức giá 18.600 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong hơn một tháng trở lại đây.
Theo đánh giá của giới đầu tư, đà tăng giá của cổ phiếu VOS thời gian qua nhờ hưởng lợi một phần từ sự bất ổn tại khu vực Trung Đông từ cuối năm 2023, ảnh hưởng tới hoạt động vận tải khu vực biển Đỏ - nơi có kênh đào Suez huyết mạch chiếm 15% tổng lưu lượng vận tải biển toàn cầu.
Căng thẳng biển Đỏ đã dẫn tới tình trạng giá cước vận tải tăng mạnh, một mặt ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp vận tải biển lại hưởng lợi nhờ giá cước tăng trong ngắn hạn.
Trong khi đó, hiệu quả hoạt động Vosco chưa thực sự có đột phá. Thực tế trong quý II, nếu không tính khoản lãi từ thanh lý “tàu già” Đại Minh, Vosco lỗ gần 50 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh lõi.
Cước vận tải biển ‘thổi bay’ lợi nhuận doanh nghiệp
Dũng Phạm