Từ ngày 28/6 đến 30/6/2024 tại thủ đô Viêng-chăn, Lào sẽ diễn ra Hội thảo “Xúc tiến xuất nhập khẩu gắn liền chuyển đổi số” nhằm trao đổi kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số trong hợp tác thương mại và xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Lào.
Ngày 08/6/2024, Bộ Công Thương Lào, Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào cùng Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Nguyên An (NATRA) Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác ba Bên về việc chủ trì phối hợp tổ chức Hội thảo “Xúc tiến xuất nhập khẩu gắn liền chuyển đổi số”.
Hội thảo dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 28/6 đến 30/6/2024 tại thủ đô Viêng-chăn, Lào. Đây là một sự kiện quan trọng được Lãnh đạo Nhà nước Lào quan tâm tổ chức tiếp sau chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tới Viêng-chăn, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới ngày 08/4/2024 nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và hoạt động thương mại hai chiều Việt Nam - Lào, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Lào gắn liền với chuyển đổi số
Hội thảo "Xúc tiến xuất nhập khẩu gắn liền chuyển đổi số" dự kiến sẽ có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban ngành của hai nước Việt Nam và Lào; các chuyên gia, diễn giả uy tín trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chuyển đổi số; đặc biệt có sự tham dự của khoảng 150 doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và đang thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu với Lào cùng khoảng 20 doanh nghiệp Lào.
Theo chương trình, trong khuôn khổ Hội thảo sẽ diễn ra 03 phiên hội thảo chuyên đề tập trung thảo luận, trao đổi về các nội dung chủ yếu, bao gồm:
Phiên 1 - Các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu gắn liền chuyển đổi số trong bối cảnh toàn cầu khó đoán định, tăng cường tạo thuận lợi thương mại hướng tới xây dựng các cặp cửa khẩu thông minh trong thương mại xuyên biên giới;
Phiên 2: Sử dụng sáng tạo và hiệu quả nguồn viện trợ Chính phủ và phi Chính phủ tới Lào, với mục đích thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu;
Phiên 3: Việt Nam - Lào trao đổi kinh nghiệm trong hợp tác thương mại và xuất nhập khẩu gắn liền với chuyển đổi số
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng sẽ diễn ra các phiên tham luận về các nội dung liên quan đến các phiên hội thảo chuyên đề; Tọa đàm với chủ đề “Đề xuất xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh trong lĩnh vực logistics và tạo thuận lợi thương mại”; hoạt động ký kết biên bản hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam và Lào; giữa các doanh nghiệp đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ và thiết bị hiển thị bổ trợ…
Phát biểu tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tổ chức Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương Lào nhấn mạnh chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế giữa Lào và các quốc gia khác. Do đó, việc hợp tác với NATRA trong lĩnh vực chuyển đổi số và phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào tổ chức Hội thảo không chỉ là thực hiện cam kết trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị song phương hai nước Việt Nam - Lào mà còn bám sát chủ trương phát triển kinh tế của Bộ Công Thương Lào.
Đại diện NATRA đánh giá cao việc được hợp tác với Bộ Công Thương Lào trong lĩnh vực chuyển đổi số, tổ chức Hội thảo chuyên đề và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Lào. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới liên tục biến động khó đoán định như hiện nay, việc nắm bắt cơ hội để mở rộng thị trường kinh doanh, tối ưu hoá hiệu quả công tác vận hành thông qua quá trình chuyển đổi số và ứng dụng trang thiết bị công nghệ vào đời sống là yêu cầu then chốt cho bộ máy quản lý và hoạt động của doanh nghiệp hai nước.
Với hội thảo này, các nhà tổ chức hướng tới mục tiêu duy trì hội thảo song phương được tổ chức thường niên và luân phiên giữa hai nước, kỳ vọng hội thảo sẽ trở thành một điểm kết nối các doanh nghiệp Việt Nam - Lào, đồng thời thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trong quá trình xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Ngày 08/4/2024, tại Viêng-chăn, Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới.
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào được ký lần đầu năm 2015. Chính phủ Việt Nam và Lào giao Bộ Công Thương hai nước đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào mới phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 03 năm, hai Bên đã thống nhất được các nội dung Hiệp định mới.
Bản Hiệp định mới hướng tới mục tiêu tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Các điều khoản của Hiệp định được xây dựng dựa trên nguyên tắc phù hợp với các luật, quy định và chính sách tương ứng của mỗi nước; bình đẳng, cùng có lợi; cùng hướng tới việc tạo thuận lợi tối đa trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Hiệp định gồm 05 chương, tương ứng với 15 điều khoản và 05 phụ lục đã bao phủ các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.
Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào năm 2015; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Lào; đặc biệt việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Lào.