Lần đầu tiên trong 5 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chỉ báo cũng cho thấy sức khỏe khu vực doanh nghiệp đã phục hồi tích cực hơn.
Nếu trước đây, Công ty CP thực phẩm G.C phải trả khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi mỗi tháng cho các khoản vay phục vụ sản xuất, thì từ đầu năm đến nay, khoản lãi này giảm xuống chỉ còn một phần ba. Từ cuối năm ngoái, đặc biệt là đầu năm nay, doanh nghiệp đã tiếp cận được gói tín dụng trung hạn với lãi suất “lý tưởng” chỉ khoảng 6,5%.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C cho biết, với mức lãi suất tốt, doanh nghiệp có cơ hội để đẩy nhanh hoàn thành dự án. Chẳng hạn, với dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, hiện nếu cần vay hơn 50%, các ngân hàng đã chào mức lãi suất rất tốt khoảng 6,5%. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp.
Vốn rẻ hơn doanh nghiệp bớt khó
Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay đã giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2023. Đây là mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, cho thấy sự cam kết đồng hành rất lớn của ngành ngân hàng đối với các doanh nghiệp. Không chỉ tung ra các gói tín dụng ưu đãi, ngành ngân hàng còn tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là về mặt thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, thành phố dành khoảng 510.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, được triển khai rộng khắp ở các quận, huyện và thành phố để tăng khả năng tiếp cận cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí tác động tích cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Còn theo ông Phan Liên, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Nam, vốn là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động của doanh nghiệp. Vốn rẻ song doanh nghiệp hấp thụ như thế nào cũng là bài toán khó. Việc nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có nhu cầu tín dụng cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp đã bắt đầu cải thiện.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, gần đây, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng trở lại, thậm chí có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với trước đó. Nguyên nhân khiến cho lãi suất huy động tăng thời gian gần đây có thể do hoạt động tín dụng được khơi thông trở lại. Ông Hiếu phân tích, trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí âm trong tháng đầu. Đến đầu tháng 5/2024, có thể ngân hàng nhận thấy đầu ra của tín dụng đã trở nên khả quan hơn, vì vậy cho vay nhiều hơn và họ phải huy động vốn nhiều hơn để cho vay.
Nhiều số liệu tích cực
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5/2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp).
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ Thống kê tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê đánh giá, lần đầu sau 5 tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã thấp hơn con số thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này phản ánh tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh nghiệp đã bớt khó, có niềm tin hơn vào thị trường hơn.
Báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) mới nhất của S&P Global đánh giá, trong tháng 5, mặc dù ngành sản xuất Việt Nam giữ nguyên ở ngưỡng 50,3 so với tháng trước nhưng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh giúp sản lượng của các doanh nghiệp tăng nhanh hơn và hoạt động mua hàng của các doanh nghiệp cũng tăng.
Còn theo ông TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế T.Ư, phản ánh rõ nét nhất tình hình doanh nghiệp có cải thiện trong 5 tháng qua là đóng góp từ khu vực này vào thu ngân sách đã tăng rất mạnh. Cụ thể, thu từ 3 khu vực sản xuất, kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán thu nội địa) ước đạt 54,1% dự toán, tăng 12,7%. Bộ Tài chính nhận định, số thu nội địa đạt khá so dự toán và tăng so cùng kỳ phản ánh tác động nền kinh tế phục hồi. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí tác động tích cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp và số thu nộp ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp, mặc dù có một số điểm sáng như đơn hàng đang dần khôi phục, xuất khẩu tăng…, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu do: đơn hàng đang phục hồi nhưng còn chậm; áp lực chi phí cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển quốc tế, giá nhập nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh; khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó là áp lực gia tăng về các quy định, điều kiện kinh doanh bền vững, đặc biệt của các thị trường lớn; vướng mắc về quy định pháp lý, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và vấn đề thực thi pháp luật, tâm lý sợ sai, không dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Theo ông Tú Anh, để duy trì sự phục hồi bền vững cho các doanh nghiệp, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này hiệu quả hơn. Trong đó, việc chú trọng giảm áp lực về lãi suất vốn vay, thủ tục hành chính là rất có ý nghĩa.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp thành lập mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
ĐẠI KIM