FiinGroup đánh giá, với bối cảnh tình hình thị trường bất động sản hiện nay và chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp tổ chức phát hành còn yếu, các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Báo cáo thị trường trái phiếu tháng 11 của FiinGroup ghi nhận thị trường tiếp tục sôi động với tổng giá trị phát hành đạt 38,6 nghìn tỷ đồng trong đó hơn 90% là phát hành riêng lẻ.
Đây là tháng thứ 6 liên tiếp tổng giá trị phát hành qua kênh trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 29 nghìn tỷ đồng sau giai đoạn trầm lắng phần lớn nửa đầu năm.
Tính lũy kế 11 tháng, tổng giá trị phát hành cả trái phiếu riêng lẻ và chào bán ra công chúng đạt 252,9 nghìn tỷ đồng, trong đó kênh trái phiếu riêng lẻ đạt 227,8 nghìn tỷ đồng và phát hành ra công chúng đạt 25,1 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù chỉ hồi phục trở lại từ tháng 6, tổng giá trị phát hành sơ cấp 11 tháng năm nay đã bằng khoảng 80% tổng giá trị phát hành cả năm 2022.
Về cơ cấu phát hành, ngành ngân hàng vẫn là nhóm tổ chức phát hành lớn nhất trong 11 tháng qua với giá trị phát hành đạt 120 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,5%, ngành bất động sản đứng thứ hai với 83 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,8%. Còn lại một số công ty chứng khoán, doanh nghiệp xây dựng và vật liệu; và các ngành khác.
Với trái phiếu bất động sản, lãi suất coupon tương đối ổn định ở mức bình quân 11,92% với kỳ hạn bình quân 3,65 năm. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động trái phiếu bất động sản có biên độ giao động lớn từ 6% – 14,5% tùy theo chất lượng tổ chức phát hành và yếu tố cấu trúc thương vụ.
Đánh giá áp lực nợ trái phiếu đến hạn năm 2024, FiinGroup ghi nhận tổng giá trị thanh toán trái phiếu bao gồm cả gốc và lãi đến hạn cả năm ở mức cao, lên tới 376,5 nghìn tỷ đồng.
Áp lực trả nợ trái phiếu là lớn nhất đối với nhóm ngành bất động sản. Với bối cảnh tình hình thị trường bất động sản hiện nay và chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp tổ chức phát hành còn yếu, các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đang xem xét khả năng tạo cơ chế cho phép tiếp tục giãn hoãn thanh toán nợ trái phiếu riêng lẻ theo Nghị định 08, cùng với những giải pháp khác nhằm tháo gỡ pháp lý dự án bất động sản nhằm khôi phục thị trường, qua đó từng bước cải thiện sự hồi phục của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ.
Tỷ lệ vi phạm nghia vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp theo ngành tương quan với quy mô lưu hành. Nguồn: FiinGroup
Bên cạnh đó, tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng hiện nay ở mức 20% vào thời điểm 17/11/2023. Con số này chưa tính đến tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được đàm phán lại để giãn hoãn theo quy định của Nghị định 08.
Riêng với trái phiếu bất động sản thì tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ ở mức cao hơn đang kể ở mức 22,67% vào thời điểm giữa tháng 11/2023 trong tổng số 422 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản đang lưu hành.
Dù còn nhiều rủi ro, dữ liệu phát hành trái phiếu cho thấy thị trường đã dần khôi phục trở lại ở mức nhất định từ tháng 6/2023, nhất là đối với các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng khá và với các dự án đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý dự án và thực hiện minh bạch thông tin để phát hành thành công.
Bên cạnh việc phát hành trái phiếu như một phần của hoạt động tái cấu trúc lại cơ cấu nợ của doanh nghiệp, FiinGroup dự báo rằng năm 2024 sẽ vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp tục phát hành thành công khi mà các giải pháp hiện nay của Chính phủ được triển khai mạnh và rộng hơn nhất là đối với vấn đề pháp lý dự án.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong minh bạch thông tin đến với thị trường và thực hiện tốt hơn quy định hiện nay.
Trần Anh