Hàng vạn doanh nghiệp đói việc, đói vốn

Cuộc rà soát của Bộ Kế hoạch và đầu tư với 29.300 doanh nghiệp ở các ngành kinh tế trọng điểm cho thấy hệ quả khôn lường của cơn bão khủng hoảng kinh tế.

Riêng với ngành xây dựng, khoảng 3.000 doanh nghiệp cho biết gặp thách thức vì “không có hợp đồng xây dựng mới”.

Bên cạnh giá nguyên vật liệu tăng cao, việc đói hợp đồng xây dựng mới là nguyên nhân ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp xây dựng cũng ghi nhận hàng loạt khó khăn khác chưa thể giải quyết như nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng hạn, thiếu vốn, hạn chế năng lực, thủ tục hành chính còn rườm rà.

Xây dựng cũng là lĩnh vực “nóng” về kiến nghị của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện hữu.

Theo đó, có khoảng 40% doanh nghiệp xây dựng, tức khoảng 2.400 trường hợp đề nghị được Chính phủ, bộ ngành, địa phương hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá, vay vốn ưu đãi với thủ tục thuận lợi hơn, công khai minh bạch thông tin đấu thầu.

Đáng chú ý, kiến nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là mong muốn đưa ra của hàng nghìn doanh nghiệp trong ngành này.

Cũng theo rà soát của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hai yếu tố ảnh hưởng nhất đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện tại gồm nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao.

Đáng chú ý, khó khăn này bao trùm ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như công nghiệp chế biến chế tạo với hơn 6.100 doanh nghiệp; xây dựng khoảng 6.000 doanh nghiệp; thương mại, dịch vụ với hơn 17.100 doanh nghiệp.

Về chế biến, chế tạo, khoảng 2 nghìn doanh nghiệp gặp gian nan vì nhu cầu thị trường quốc tế thấp, tài chính lẫn lãi suất vay vốn còn cao.

Nhóm ngành dệt may, da giày đối diện với bài toán lớn nhất là đơn hàng xuất khẩu và lao động có tay nghề với phân nửa số lượng đơn vị đang hoạt động.

Hơn 70% doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp áp lực về nhu cầu trong nước thấp đi kèm cạnh tranh trong ngành lên cao.

Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm đồ uống cũng không “dễ thở” với hơn 38% đơn vị thiếu nguyên vật liệu đầu vào và gần 30% bị ảnh hưởng một phần từ chính sách pháp luật.

Đón tích hiệu phục hồi tích cực trong quý II vừa qua, ngành điện, điện tử cũng không nằm ngoài thách thức chung là nhu cầu thị trường quốc tế thấp, cộng với thiếu lao động có kỹ năng đang gây khó cho khoảng một nửa số lượng doanh nghiệp.

Những kiến nghị nổi cộm ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu về giảm lãi suất cho vay, bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào, rút ngắn thủ tục hành chính, đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành này cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng, bộ ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, tăng cường kiểm soát thị trường, ổn định chất lượng nguồn cung nguyên vật liệu, nhất là doanh nghiệp chế biến sử dụng nguồn nông sản. 

Doanh nghiệp bất động sản kiệt quệ do thiếu vốn

Tin liên quan