Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Đề tài Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 do ThS. Lê Thị Diễm Phương (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Cân bằng lợi ích cho người tiêu dùng (NTD) vốn dĩ là bên yếu thế trong các giao dịch mà quyền thiết kế và soạn thảo hợp đồng thuộc về những chủ thể kinh doanh, sản xuất. Bài viết trình bày khái quát những vấn đề pháp lý về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và trọng tâm là phân tích những điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) năm 2023 liên quan đến những quy định này.

Từ khóa: hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, người tiêu dùng.

1. Khái quát chung về Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Ngày nay, quan hệ hợp đồng phát triển ngày càng đa dạng, những chủ thể tham gia hợp đồng thường giao kết số lượng hợp đồng lớn, nên cần có những điều kiện chung trong hợp đồng hoặc việc xây dựng những hợp đồng với điều khoản khuôn mẫu, được rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ nhằm áp dụng chung cho các đối tác hay khách hàng của mình. Mặt khác, nhằm bảo vệ quyền lợi của NTD, trong một số lĩnh vực pháp luật quy định phải đăng ký hợp đồng theo mẫu (HĐTM), điều kiện giao dịch chung (ĐKGDC). Những điều khoản này có thể giúp đẩy nhanh tốc độ và tính chính xác trong quá trình xác lập, thực hiện, chấm dứt hợp đồng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 406 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, có thể khái quát ĐKGDC trong giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam mang một số đặc điểm sau: Thứ nhất, ĐKGDC là ý chí đơn phương của bên đề nghị giao kết hợp đồng trong hợp đồng được soạn sẵn từ trước và đưa ra cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng. Thứ hai, ý chí đơn phương trên được thể hiện thành các quy tắc chuẩn mực hay các điều kiện được ghi nhận sẵn trong hợp đồng, mang tính ổn định và được sử dụng nhiều lần. Ngoài ra, các điều kiện giao dịch này phải được được minh bạch, công khai để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó. Thứ ba, ĐKGDC có sự ràng buộc pháp lý đối với bên được đề nghị nếu bên này đã chấp nhận các điều khoản do bên đề nghị đưa ra và không thể thay đổi, sửa chữa hay hủy bỏ các điều khoản này. Thứ tư, ĐKGDC phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên. Trường hợp ĐKGDC có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Phân biệt HĐTM và ĐKGDC: Từ những đặc điểm trên, cho thấy có sự khác nhau nhau giữa ĐKGDC và HĐTM. Khác với hợp đồng thông thường được xác lập dựa trên cơ sở thỏa thuận được là kết quả của sự thống nhất ý chí tự nguyện của các bên, là nguồn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên. Còn hợp đồng mẫu[1] có những điểm khác biệt nhất định gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một khoảng thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung HĐTM mà bên đề nghị đã đưa ra[2]. Bên được đề nghị giao kết hợp đồng chỉ có quyền chấp nhận hoặc từ chối toàn bộ nội dung hợp đồng mà không có quyền thỏa thuận sửa đổi về nội dung hợp đồng. Đặc điểm này thực chất xuất phát từ việc HĐTM được dùng cho nhiều lần giao dịch khác nhau. Hợp đồng này thường là của nhà cung cấp đưa ra cho NTD, khách hàng và khách hàng chỉ có thể chấp nhận hoặc từ chối.

Giống với HĐTM, ĐKGDC do bên đề nghị xác lập và đưa ra, được áp dụng chung cho bên được đề nghị và khi bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì phải chấp nhận toàn bộ. Vì là điều kiện được áp dụng chung, nên những điều kiện đó đều được chuẩn hóa và mang tính ổn định cao, nhằm mục đích giúp cho việc giao kết hợp đồng trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên. Tuy nhiên, khác với HĐTM thường mang tính cá biệt hóa, tức mỗi chủ thể sẽ xây dựng một HĐTM riêng để giao kết hợp đồng với đối tác của họ, trong khi ĐKGDC lại mang tính chuẩn mực khái quát cao hơn được áp dụng trong một ngành và một lĩnh vực nhất định. ĐKGDC tách biệt với HĐTM, tồn tại dưới dạng văn bản riêng hoặc quy tắc giao dịch chung.

2. Hợp đồng thương mại và điều kiện giao dịch chung theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung và làm rõ nhiều quy định về HĐTM và ĐKGDC, nhằm mục đích tăng cường bảo vệ quyền lợi cho NTD. Cụ thể:

Thứ nhất, Luật BVQLNTD năm 2023 đã bỏ khái niệm về ĐKGDC và HĐTM, thể hiện rõ quy định này áp dụng chỉ đối với NTD.

Cụ thể, Luật mới không còn quy định về khái niệm HĐTM, ĐKGDC mà sẽ áp dụng khái niệm trong BLDS năm 2015 để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo. Thực chất, trong Luật BVQLNTD năm 2010, hai khái niệm này là đồng nhất với nhau[3].

Việc quy định như trong Luật BVQLNTD năm 2010 đã thể hiện về đối tượng áp dụng của HĐTM, ĐKGDC là NTD và bên đơn phương đưa ra hợp đồng hay điều kiện chung là tổ chức, cá nhân kinh doanh chứ không chỉ quy định chung chung áp dụng cho tất cả các giao dịch dân sự như định nghĩa của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, như khái niệm và nội dung theo luật cũ thì những quy định về HĐTM, ĐKGDC áp dụng đối với NTD sẽ vận dụng quy định của Luật BVQLNTD; vô tình đã bỏ sót quy định chung của BLDS. Do đó, Luật BVQLNTD năm 2023 không còn quy định khái niệm riêng của 2 thuật ngữ này mà sẽ hiểu chung theo quy định của BLDS. Đồng thời, việc điều chỉnh HĐTM, ĐKGDC liên quan đến NTD được sự điều chỉnh của Luật BVQLNTD và cả BLDS. Việc sửa đổi này cho thấy luật mới đã có sự bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NTD thông qua nhiều cơ sở pháp lý khác nhau, nhưng cùng điều chỉnh chung một đối tượng.

Thứ hai, tính minh bạch về thông tin trong nghĩa vụ cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, HĐTM, ĐKGDC cho NTD.

Đây là một trong những nghĩa vụ quan trọng được đặt ra đối với việc xây dựng quy định của Luật BVQLNTD ở nhiều quốc gia và Việt Nam nhằm khắc phục vị trí yếu thế của NTD và đặc biệt khắc phục tình trạng “bất cân xứng về thông tin giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh”[4]. Vì vậy, việc ngày càng hoàn thiện quy định này là cần thiết và là nghĩa vụ cơ bản, quan trọng nhất trong pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Trước đây, Luật BVQLNTD năm 2010 chỉ quy định khá chung về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD[5], quy định này không xác định có áp dụng đối với trường hợp của ĐKGDC hay không, điều này dẫn đến tạo ra lỗ hổng pháp lý? Luật mới bổ sung cụ thể đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh; thể hiện tính minh bạch về thông tin mà bên đưa ĐKGDC phải tuân thủ; đồng thời bổ sung thêm nội dung chi tiết hơn đối với những nghĩa vụ này như việc cung cấp thông tin phải chính xác, đầy đủ về các nội dung liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. HĐTM của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, để bảo vệ quyền lợi NTD trong trường hợp này, Dự thảo Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát loại các loại hợp đồng này.

Thứ ba, liên quan đến hình thức, ngôn ngữ giao kết hợp đồng[6], trước đây chỉ quy định khá chung chung không xác định rõ phạm vi áp dụng thì nay Luật BVQLNTD năm 2023 đã mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả HĐTM và ĐKGDC.

Theo đó, hình thức hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, HĐTM, ĐKGDC được thực hiện không chỉ theo quy định của pháp luật về dân sự mà còn quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây sẽ là cơ sở đảm bảo sự thống nhất về hình thức hợp đồng giữa Luật BVQLNTD và BLDS, đồng thời đảm bảo được giá trị hiệu lực của hợp đồng, hướng đến đảm bảo an toàn cho giao dịch giữa NTD và bên đưa ra HĐTM.

Về việc sử dụng ngôn ngữ của hợp đồng giao kết với NTD, HĐTM, ĐKGDC[7]: Việc bổ sung thêm quy định về ngôn ngữ ĐKGDC giúp các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Mặt khác, Luật BVQLNTD năm 2023 đã khắc phục được sự hạn chế về ngôn ngữ thể hiện của hợp đồng giao kết với NTD, bảo vệ triệt để NTD Việt Nam cũng như NTD nước ngoài, không biết tiếng Việt. Đồng thời, dự phòng trường hợp xảy ra khi có sự khác biệt giữa bản hợp đồng hay điều kiện tiếng Việt và tiếng nước ngoài, Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài, bản tiếng Việt được ưu tiên áp dụng”. Ngoài ra, dựa trên nguyên tắc bảo vệ tốt nhất cho NTD, quy định theo hướng điều nào có lợi cho NTD sẽ được ưu tiên áp dụng, Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung thêm quy định (so với quy định tại Điều 14 LBVQLNTD năm 2010) là “các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho NTD được ưu tiên áp dụng”. Quy định này sẽ đảm bảo quyền lợi cho NTD một cách triệt để, vì so với quy định trước đây có những trường hợp những điều khoản tiếng Việt bất lợi hơn cho NTD so với bản tiếng nước ngoài thì sẽ không có cơ sở lựa chọn bản tiếng nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của NTD.

Nhìn chung, quy định này thể hiện tính minh bạch của các ĐKGDC. Về cơ bản, các quốc gia trên thế giới đều đặt ra yêu cầu về tính minh bạch của các điều khoản này, chẳng hạn như: Tại châu Âu, Điều 5 Chỉ thị Hội đồng châu Âu 93/13/EEC quy định: “Trong trường hợp hợp đồng có tất cả hoặc một số điều khoản được cung cấp cho NTD bằng văn bản, các điều khoản này phải được soạn thảo bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Khi có nghi ngờ về ý nghĩa của một thuật ngữ, cách giải thích có lợi nhất cho NTD sẽ được ưu tiên”. Hay, tại Úc, Điều 24 Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc quy định: “Khi xác định xem một điều khoản của hợp đồng là không công bằng theo nội dung trên hay không, Tòa án có thể xét đến những vấn đề mà Tòa án cho là có liên quan, nhưng phải xét đến mức độ minh bạch của điều khoản và toàn bộ hợp đồng. Một điều khoản là minh bạch nếu điều khoản đó được diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản hợp lý; dễ đọc; được trình bày rõ ràng và luôn có hiệu lực với bất kỳ bên nào bị tác động bởi điều khoản”. Luật BVQLNTD năm 2010 mới chỉ đặt ra yêu cầu về tính minh bạch đối với HĐTM (Điều 12), chưa quy định các nội dung tương tự về ĐKGDC và Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung thống nhất hai quy định này. Điều này cho thấy phù hợp với yêu cầu về tính minh bạch của các quốc gia trên thế giới điều chỉnh chung cho các điều khoản mẫu do doanh nghiệp soạn sẵn, không phân biệt hình thức tồn tại của các điều khoản mẫu đó.

Thứ tư, bổ sung mới quy định về nội dung cơ bản của HĐTM[8].

Xuất phát từ cơ sở của lý thuyết lạm dụng vị thế là bên đưa ra các điều kiện tiêu chuẩn trong HĐTM, có thể “áp đặt” nhưng nội dung bất lợi và khó kiểm soát, gây nhiều rủi ro cho phía NTD và nhằm đảm bảo quyền của người yếu thế trong giao dịch, Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung mới các điều khoản cơ bản và áp dụng mang tính bắt buộc đối với bên đưa ra điều khoản này. Theo đó, HĐTM phải có các nội dung cơ bản sau đây: a) Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có); b) Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp theo hợp đồng; c) Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp, các thành phần cấu thành giá cuối cùng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; d) Phương thức, thời hạn thanh toán; đ) Thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; e) Quyền và nghĩa vụ của các bên bảo đảm tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; g) Trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; h) Trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do chấm dứt thực hiện hợp đồng; i) Trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật; k) Phương thức giải quyết tranh chấp; l) Thời điểm giao kết hợp đồng, thời hạn của hợp đồng. Quy định này đảm bảo sự thống nhất và tương thích với BLDS năm 2015 về những nội dung cơ bản[9] cần phải đảm bảo khi soạn thảo hợp đồng. Đây là những điều khoản không thể không ghi rõ trong hợp đồng, vì nếu không có những điều khoản này hợp đồng có thể xem như chưa được giao kết hoặc nếu giao kết thì có thể dẫn đến những rủi ro như đối tượng của hợp đồng không xác định được, hợp đồng chưa thể xác lập, hợp đồng vô hiệu vì nhầm lẫn, hợp đồng vô hiệu vì có đối tượng không thực hiện được ngay từ thời giao kết. Quy định này cũng nhằm tránh trường hợp bên soạn thảo vô ý hoặc cố ý ban hành thiếu nội dung quan trọng của hợp đồng hoặc đưa vàp hợp đồng những thông tin không đối xứng với bên tham gia giao dịch.

Thứ năm, mở rộng trường hợp điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với NTD, HĐTM, ĐKGDC.

Điều 16 Luật BVQLNTD năm 2010 quy định 9 trường hợp điều khoản của hợp đồng giao kết với NTD, ĐKGDC không có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp này không thể bao quát hết và không đảm bảo được sự công bằng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và NTD trên thị trường. Vì vậy, Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung và đưa ra gần 15 Điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với NTD,  HĐTM, ĐKGDC.

Theo đó, trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, HĐTM, ĐKGDC; tổ chức, cá nhân kinh doanh không được quy định các điều khoản theo hướng xâm phạm đến quyền lợi của NTD như: Hạn chế, loại trừ trách nhiệm được pháp luật quy định của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD, trừ trường hợp pháp luật liên quan quy định trách nhiệm đó được hạn chế, loại trừ; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi ĐKGDC mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho NTD; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi quy định của hợp đồng đã giao kết với NTD; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi giá trong quá trình cung cấp dịch vụ liên tục mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho NTD; quy định về chế tài theo hướng bất lợi hơn cho NTD do vi phạm hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng....[10] Đây là quy định có sự thay đổi lớn so với Điều 16 Luật BVQLNTD năm 2010, đã thể hiện sự tôn trọng và bảo đảm cơ chế quyền lợi tốt cho NTD vốn là bên yếu thế trong giao dịch, bảo vệ quyền lợi NTD trong mối quan hệ với thương nhân, tạo cơ hội cho NTD có thể lựa chọn kỹ lưỡng trong giao kết hợp đồng. Đặc biệt, Luật BVQLNTD đã bổ sung quy định về điều kiện không có hiệu lực của ĐKGDC nếu trái với nguyên tắc thiện chí; đây là nguyên tắc nhằm bảo những ĐKGDC do một bên đưa ra không được tạo ra “sự mất cân bằng thái quá giữa quyền và nghĩa vụ của các bên”. Việc bổ sung nguyên tắc công bằng ở khía cạnh này sẽ là công cụ pháp lý để các thẩm phán linh hoạt hơn trong việc phán quyết điều kiện thương mại chung bất công bằng[11].

Việc bổ sung các điều khoản không được phép trong HĐTM, ĐKGDC cũng đảm bảo tính thống nhất với BLDS năm 2015 và tạo cơ sở pháp lý cho việc tuyên bố vô hiệu theo cơ chế tố tụng dân sự đối với các trường hợp được Luật BVQLNTD quy định.

Thứ sáu, về hiệu lực của HĐTM, ĐKGDC và quy định quá trình thực hiện điều kiện giao dịch chung trong quan hệ hợp đồng phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Về hiệu lực của HĐTM, ĐKGDC - khoản 6 Điều 12 Luật BVQLNTD năm 2010 chỉ quy định “thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về HĐTM, ĐKGDC trước khi giao dịch”, quy định này không nêu rõ nếu không thông báo thì hậu quả sẽ như thế nào? Mặt khác, thông báo “cho NTD” là thông báo chung cho NTD nói chung hay cho NTD cụ thể đối với từng giao dịch cụ thể thì Luật BVQLNTD năm 2010 chưa nêu rõ[12]. Khắc phục nhược điểm này Luật mới đã quy định cụ thể, Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với NTD trong trường hợp điều kiện giao dịch chung đã được công khai để NTD biết về điều kiện đó trước khi giao dịch. Đây cũng là quy định mới so với Luật cũ và xác định rõ giá trị pháp lý đối với ĐKGDC trong việc xác lập hợp đồng với bên là NTD trong từng giao dịch cụ thể.

Thứ bảy, về kiểm soát HTM, ĐKGDC.

So với Luật BVQLNTD năm 2010, Luật BVQLNTD năm 2023 có một số quy định mới về kiểm soát hợp đồng giao kết với NTD, ĐKGDC, như sau: Bổ sung hành vi cấm liên quan đến việc quy định các điều khoản không có hiệu lực trong HĐTM, ĐKGDC để thống nhất với BLDS năm 2015 và tạo cơ sở pháp lý cho việc tuyên bố vô hiệu theo cơ chế tố tụng dân sự đối với các trường hợp được Luật BVQLNTD quy định; Bổ sung các quy định về nội dung cơ bản của HĐTM nhằm cụ thể hóa các nội dung cần thiết phải được quy định cụ thể trong HĐTM. Nội dung bổ sung này giúp các chủ thể kinh doanh có cơ sở pháp lý khi xây dựng hợp đồng, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi NTD tốt hơn và đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn thực thi pháp luật; Sửa đổi, bổ sung quy định về điều khoản của hợp đồng giao kết với NTD, ĐKGDC không có hiệu lực, các trường hợp này được quy định tại Điều 17 Luật BVQLNTD năm 2010, không thể bao quát hết các trường hợp là không công bằng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và NTD trên thị trường. Đồng thời, Luật mới đã sửa đổi một số trường hợp thay đổi giá hoặc thay đổi ĐKGDC đối với trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục.

Bên cạnh đó, Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung thêm hướng xử lý hay hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ, sửa đổi HĐTM, ĐKGDC đã xác lập với NTD trong giao dịch cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Quy định này bổ khuyết hướng xử lý do vi phạm hợp đồng mà luật cũ chưa quy định cụ thể.

3. Kết luận

Luật BVQLNTD năm 2023 quy định về hợp đồng giao kết với NTD, HĐTM, ĐKGDC với những thay đổi đáng kể so với Luật cũ liên quan đến việc quy định bắt buộc và rõ ràng đối với bên đưa ra các điều khoản chung; đảm bảo tính minh bạch, công khai của HĐTM, ĐKGDC; tính rõ ràng, khả thi và hạn chế tối đa mối quan hệ bất cân xứng trong các giao dịch về HĐTM, ĐKGDC; cân bằng lợi ích cho NTD vốn dĩ là bên yếu thế trong các giao dịch mà quyền thiết kế và soạn thảo hợp đồng thuộc về những chủ thể kinh doanh, sản xuất. Đây là cơ sở để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng, bảo vệ quyền và lợi ích ngày càng tốt hơn cho NTD. Việc nghiên cứu và xây dựng những điều khoản liên quan đến quy định này trong Luật BVQLNTD góp phần nâng cao vai trò, vị trí của NTD trong xu hướng tiêu dùng mới.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Khoản 1 Điều 405 BLDS năm 2015.

2 Khoản 1 Điều 405 BLDS năm 2015.

3 Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Cương (Đồng chủ biên), Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, NXB. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2012, tr.123.

4 Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Cương (Đồng chủ biên) (2012). Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. NXB. Chính trị Quốc gia - Sự thật.

5 Điều 12 Luật BVQLNTD năm 2010 so với Điều 21 Luật BVQLNTD năm 2023.

6 Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2023 so với Điều 14 Luật BVQLNTD năm 2010.

7 Khoản 3 Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2023 so với Điều 14 Luật BVQLNTD năm 2010 (không quy định điều khoản này)

8 Điều 398 BLDS năm 2015.

9 Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (đồng chủ biên) (2017). Bình luận khoa học BLDS năm 2015. NXB. Công an Nhân dân, tr.601.

10. Điều 25 Luật BVQLNTD năm 2023 so với Điều 16 Luật BVQLNTD năm 2010.

11 Nguyễn Thị Hằng Nga (2016). Pháp luật về điều kiện thương mại chung - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Luận án Tiến sĩ Luật học, tr.125.

[1]2 Đỗ Văn Đại (2020). Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và Bình luận bản án (sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ tám) tập 2, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr.275.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Quốc hội (2010). Luật BVQLNTD năm 2010.

3. Quốc hội (2023). Luật BVQLNTD năm 2023.

4. Nguyễn Thị Vân Anh (2012). Vai trò của Hội bảo vệ quyền lợi NTD trong việc bảo vệ NTD. NXB. Chính trị Quốc gia - Sự thật.

5. Ngô Huy Cương (2008). “Tự do ý chí và sự tiếp nhận ý chí trong pháp luật Việt Nam hiện nay”. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 02.

6. Nguyễn Thị Huyền (2020). Pháp luật về điều kiện giao dịch chung của Cộng hòa Liên bang Đức, Anh và Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phap-luat-ve-dieu-kien-giao-dich-chung-cua-cong-hoa-lien-bang-duc-anh-va-viet-nam-69091.htm

7. Đỗ Giang Nam (2015). Bình luận về các quy định liên quan đến Hợp đồng theo mẫu và Điều kiện giao dịch chung trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5(285), tháng 3.2015.

Standard form contracts and general transaction conditions according to the Law on Protection of Consumer Rights 2023

Master. Le Thi Diem Phuong

Lectuer, Faculty of Civil Law, Ho Chi Minh City University of Law

Abstract:

It is necessary for balancing and protecting the benefits of consumers, who are the weak party when they are involved in transactions that are usually drafted by business and production entities. This paper presented an overview of legal issues regarding standard form contracts and analyzed the Law on Protection of Consumer Rights 2023’s new points on this issue.

Keywords: sample contracts, general transaction conditions, consumers.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2024]