Ngân hàng LPBank (mã cổ phiếu LPB) dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét phương án chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng mạnh vốn điều lệ, hướng tới lọt top các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu LPB - sàn HoSE) vừa công bố bổ sung tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 17/4 sắp tới.
Năm nay, Ngân hàng LPBank lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với mục tiêu 9.500 tỷ đồng đã được đề ra trước đó. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động vốn không đổi, lần lượt tăng 15,9% và 11,2% so với cuối năm 2023.
Ban lãnh đạo Ngân hàng LPBank cho biết, việc thay đổi mục tiêu lợi nhuận là một trong những định hướng mới của năm nay. Cụ thể, Ngân hàng LPBank sẽ tập trung tăng thu phí dịch vụ, tăng cường thu hồi nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu năm 2024 xuống dưới 1%.
Tại Đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng LPBank dự kiến trình cổ đông phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tổng số cổ phiếu chào bán tối đa là 800 triệu đơn vị, mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu được cơ quan Nhà nước chấp thuận, kế hoạch tăng vốn trên sẽ được Ngân hàng LPBank thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2025, giúp tăng vốn điều lệ từ mức 25.576 tỷ đồng hiện nay lên mức 33.576 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 31%. Qua đó, đưa Ngân hàng LPBank vào Top các ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam.
Đồng thời, phương án trên cũng sẽ được triển khai thay cho phương án tăng vốn đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng LPBank. Cụ thể, kế hoạch tăng vốn cũ gồm 2 cấu phần: (i) phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và (ii) phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, HĐQT Ngân hàng LPBank dự kiến đề xuất cổ đông thông qua việc không chia cổ tức năm 2023. Ngoài ra, nhằm tập trung nguồn vốn cho các hoạt động và dự án, Ngân hàng LPBank dự kiến sẽ không chia cổ tức trong vòng 3 năm tới đây.
Một nội dụng khác cũng sẽ được HĐQT Ngân hàng LPBank trình lên cổ đông tại Đại hội tới đây là phương án đổi tên ngân hàng theo 2 cách. Với phương án cũ đã được đề cập trong tài liệu trước, Ngân hàng LPBank muốn đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Việt Nam.
Còn với phương án mới trong tài liệu bổ sung, Ngân hàng LPBank muốn đổi thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam.
Ban lãnh đạo Ngân hàng LPBank cho biết, việc đổi tên nhằm thể hiện định hướng thay đổi, phát triển bền vững nhằm nâng tầm vị thế và thương hiệu của Ngân hàng trong thời gian tới.
Năm ngoái, Ngân hàng LPBank cũng từng đổi nhận diện thương hiệu, từ Lienvietpostbank thành LPBank như hiện tại, trong bối cảnh Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn.
Duy Quang