Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát tài chính, chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức lễ chuyển giao 02 ngân hàng 0 đồng.
Trước đó, tại Báo cáo gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2022, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý 03 ngân hàng mua lại bắt buộc, tức mua 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và 01 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongA Bank).
Ngoài 4 nhà băng trên, cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trong đó, hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã có phương án xử lý, theo Ngân hàng Nhà nước.
"Các tổ chức tín dụng đã được chỉ đạo rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng. Hai nhà băng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng đã nhiều lần chia sẻ đang hoàn tất các thủ tục để sẵn sàng nhận chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Vietcombank (mã cổ phiếu VCB).
Đồng thời, tại Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024 diễn ra đầu năm nay, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB) cho biết đã sẵn sàng nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, kỳ vọng xong trong năm nay hoặc 2025 sau khi Chính phủ phê duyệt.
Mặc dù không đề cập đến tên ngân hàng yếu kém dự kiến sẽ được chuyển giao nhưng lãnh đạo Ngân hàng Quân đội từng cho biết, ngân hàng được chuyển giao có lỗ luỹ kế khoảng 20.000 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu 47%. Trong số 4 ngân hàng thuộc diện mua lại bắt buộc, Ngân hàng Đại Dương có lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng Quân đội cùng nhấn mạnh việc được chọn để nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ về năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản trị, đồng thời sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới, nhất là tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Vietcombank cho biết đã đưa ra các giải pháp cụ thể để không bị động, nhằm đảm bảo việc chuyển giao suôn sẻ và tuân thủ lộ trình. Ngân hàng đã thành lập các tiểu ban nhằm hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao. Về lâu dài, việc tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Ngân hàng Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập.
Xem thêm: "Chính phủ đề xuất bổ sung 20.695 tỷ đồng để Ngân hàng Vietcombank (VCB) tăng vốn điều lệ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo phân tích của một số tổ chức tài chính, việc nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém hiện nay thực sự mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Chưa kể, những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% lên 49%.
Riêng Ngân hàng Vietcombank không được hưởng cơ chế này, song có thể được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng), thay vì phải chi một phần cổ tức tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính như các năm trước.
Ngoài ra, với những tổ chức tín dụng trong diện phải chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi như: được Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0% trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc, không phải thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm…
Nếu quá trình nhận chuyển giao bắt buộc diễn ra suôn sẻ, các ngân hàng yếu kém thoát lỗ sau 8-9 năm như ước tính thì các ngân hàng lớn nhận chuyển giao sẽ rút ngắn được quá trình mở rộng quy mô.