Việc tăng cường tái chế rác thải điện tử không chỉ giúp củng cố chuỗi cung ứng các nguyên liệu thô quan trọng, mà còn giảm phát thải carbon liên quan hoạt động khai thác mỏ. Để đạt được mục tiêu này cần có sự chung tay thực hiện của cả các doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng và chính quyền các cấp.
Nghịch lý cần khắc phục
Theo một báo cáo về rác thải điện tử được LHQ công bố hồi tháng 3 vừa qua, rác thải điện tử, chủ yếu là kim loại và nhựa, đang được thải ra với tốc độ nhanh hơn năm lần so khả năng tái chế. Lượng rác thải điện tử được dự báo sẽ tăng thêm 30%, lên thành 82 tỷ tấn vào năm 2030.
Rác thải điện tử thực chất là nguồn tài nguyên có giá trị hàng tỷ USD, bao gồm các loại khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Thế nhưng, nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí. Theo báo cáo của LHQ, lượng rác thải điện tử trên toàn thế giới chứa khoảng bốn triệu tấn kim loại được phân loại là nguyên liệu thô quan trọng, chủ yếu là nhôm. Dù là một trong những vật liệu có thể tái chế và hiện được tái chế nhiều nhất hiện nay, nhưng vào năm 2022, mới có 60% lượng nhôm trong các loại rác thải điện tử được tái chế.
Những vật liệu có giá trị cao, gồm kim loại thuộc nhóm bạch kim như palladi thường được sử dụng làm chất xúc tác cho pin nhiên liệu hydro hoặc trong bo mạch cũng bị lãng phí đáng kể. Trong khi đó, các kim loại này đều có khả năng thu hồi để phục vụ việc tái chế ở mức cao, lên tới 95%. Lượng kim loại nhóm bạch kim có thể được tái chế từ rác thải điện tử vào năm 2022 thậm chí còn nhiều hơn lượng bạch kim mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán sẽ cần sử dụng trong các sản phẩm sử dụng công nghệ hydro vào năm 2030.
Theo Reuters, chỉ riêng trong năm 2022, khoảng 12 triệu tấn kim loại như vậy đã bị bỏ đi một cách lãng phí. Đó là chưa kể pin của hàng triệu chiếc xe điện đã được xuất xưởng. Trong khi đó, điều nghịch lý là thế giới vẫn đang phải tìm cách khai thác các loại kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng vốn tốn kém, gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai.
Ban hành mới và thực thi các quy định
Việc tăng cường tái chế rác thải điện tử sẽ không chỉ giúp củng cố chuỗi cung ứng các nguyên liệu thô quan trọng của các nước mà còn tránh phát thải carbon liên quan hoạt động khai thác mỏ. Theo ước tính, vào năm 2022, các kim loại được tái chế đã giúp giảm được 52 triệu tấn khí thải khai thác độc hại tương đương CO2.
Báo cáo của LHQ cho hay, phần lớn các nước trên thế giới hiện vẫn chưa có các quy định đặt mục tiêu cụ thể về việc tái chế rác thải điện tử, đặc biệt là về vấn đề sửa chữa và tái sử dụng. Theo báo cáo, có 81 nước hiện có quy định về rác thải điện tử ở cấp độ quốc gia, nhiều hơn ba nước so năm 2019. Điều đó đồng nghĩa với việc trong vài năm qua, chỉ có thêm ba nước ban hành các quy định về rác thải điện tử. Trong khi đó, thống kê cho thấy những quốc gia đặt mục tiêu thu gom rác thải điện tử có tỷ lệ thu gom và tái chế trung bình cao hơn (35%) so những nước không đặt mục tiêu ở lĩnh vực này (22%).
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, để phục vụ cho việc giảng dạy trực tuyến, hàng trăm nghìn chiếc máy tính bảng đã được phát cho các học sinh ở Đức. Sau vài năm, những thiết bị này đã gần hết tuổi thọ sử dụng. Thế nhưng, anh Ruediger Kuehr, một kỹ sư điện tử người Đức, hiện phụ trách một chương trình của LHQ nhằm giải quyết vấn đề rác thải điện tử, đã rất ngạc nhiên vì chính quyền các địa phương khi được hỏi đều chưa có kế hoạch gì để xử lý các thiết bị này. Họ chưa từng tính đến việc sẽ thu thập, sửa chữa hay tiêu hủy những chiếc máy tính đó.
Điều nguy hiểm là những chiếc máy tính bảng như vậy và hàng triệu thiết bị tương tự đã được phân phát ở các ngôi trường trên khắp nước Mỹ, châu Âu và các nơi khác trên thế giới cuối cùng sẽ trở thành rác thải điện tử gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để tăng tỷ lệ tái chế rác thải điện tử, anh Kuehr cho rằng, cùng với việc xây dựng và ban hành các quy định, chính phủ các nước cũng cần chú trọng việc thực thi những quy định đó và phải xem xét đến khả năng tái chế trong toàn bộ vòng đời của các thiết bị điện tử, chứ không chỉ ở phần cuối vòng đời của thiết bị đó.
Dẫn chứng việc vận chuyển rác thải điện tử xuyên biên giới, Kuehr chỉ ra rằng, theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại, trong hầu hết các trường hợp, việc vận chuyển như vậy là bất hợp pháp. Danh mục rác thải điện tử bị cấm vận chuyển xuyên biên giới cũng đã dần được mở rộng hơn. Song, trên thực tế, vài triệu tấn rác thải điện tử vẫn được vận chuyển xuyên biên giới mỗi năm, chủ yếu từ bắc bán cầu đến nam bán cầu, có nghĩa là cả nước xuất khẩu và nhập khẩu đều không thực thi đầy đủ quy định mà họ đã ký kết.
Điều đáng mừng là các nước đang tích cực xây dựng các quy định nhằm thúc đẩy việc tái chế rác thải điện tử. Hồi đầu năm, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất quy định khuyến khích người tiêu dùng sửa chữa các sản phẩm sắp hoặc hết hạn sử dụng, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các mục tiêu tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, EU cũng đã thống nhất quy định về thiết kế sinh thái để bảo đảm các sản phẩm được thiết kế bền hơn, có thể sửa chữa và tái chế. Hai quy định này đang chờ sự chấp thuận chính thức từ Hội đồng châu Âu (EUC). Một khi các quy định chính thức được thông qua, các nước thành viên EU sẽ có hai năm chuẩn bị các điều kiện để tuân thủ.
Cùng với đó, EU cũng đang áp dụng quy định về bộ sạc thông thường cho các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh và máy tính bảng nhằm giảm rác thải điện tử. Tại Mỹ, bốn bang của nước này đã ban hành quy định về việc sửa chữa thiết bị điện tử, trong đó, chính quyền New York đã cấm việc đem các thiết bị điện tử đi chôn lấp.
Cần sự chung tay
Bên cạnh đó, không phải tất cả các vật liệu có thể tái chế từ rác thải điện tử đều có thể dễ dàng phục hồi. Neodymium dùng để chế tạo nam châm cho turbine gió là thí dụ. Ước tính, lượng rác thải điện tử toàn cầu chứa hơn 7.000 tấn vật liệu quan trọng này, có thể đáp ứng gần một nửa nhu cầu neodymium để chế tạo các turbine gió vào năm 2030. Song, công nghệ tái chế neodymium hiện vẫn còn sơ khai và tốn kém. Vì vậy, việc tái chế nguyên liệu này vẫn chưa phổ biến do không đáp ứng được hiệu quả kinh tế.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ một số nước trên thế giới đang triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy tái chế kim loại quan trọng từ rác thải điện tử. Điển hình, Chính phủ Anh đang hỗ trợ một chương trình nghiên cứu nhằm phát triển chuỗi cung ứng tuần hoàn cho nam châm đất hiếm. Tại Mỹ, hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Năng lượng nước này đã phát động một cuộc thi với giá trị giải thưởng lên tới bốn triệu USD, với mục tiêu tăng cường sản xuất các khoáng chất quan trọng từ rác thải điện tử. EU cũng đã thông qua các quy định về cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, trong đó đề ra mục tiêu 25% nguyên liệu thô quan trọng sẽ được sản xuất từ vật liệu tái chế.
Theo anh Kuehr, để thúc đẩy việc tái chế rác thải điện tử đạt được mục tiêu đề ra cần có cách tiếp cận toàn cầu hài hòa. Trong đó chính phủ, người tiêu dùng, ngành công nghiệp sản xuất, chính quyền các địa phương đều có trách nhiệm riêng và phải chịu trách nhiệm của mình đối với vấn đề này thì mới đạt được hiệu quả. “Người tiêu dùng muốn sản phẩm mà họ mua về dễ sửa chữa hơn nhưng họ cũng muốn những sản phẩm mới nhất với giá rẻ. Để có được giá thành rẻ, nhà sản xuất sẽ phải tiết giảm chi phí sản xuất, như sử dụng keo thay vì vít kim loại để hạ giá thành. Vì vậy, việc đặt toàn bộ trách nhiệm lên ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử là không dễ dàng”, anh Kuehr nói.
HÀ DUNG (Biên dịch)