Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển dịch vụ logistics thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với xu hướng phục hồi và tăng trưởng sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu của mỗi nước.
Chiều ngày 23/5, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Tổng công ty Cảng Gyeonggi Pyeongtaek (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo nhằm kết nối, thúc đẩy hợp tác phát triển logistics giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
Tham dự Hội thảo có đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM), cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics của Việt Nam và Hàn Quốc.
Hàn Quốc - đối tác quan trọng trong phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là kinh tế, thương mại có sự phát triển nhanh chóng. Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ 3.
Hai nước phấn đấu nhằm sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030, cùng giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa vụ vào thị trường Hàn Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực dịch vụ logistics, công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng,..., hướng tới tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam, bảo đảm hài hòa hơn nữa lợi ích của hai bên trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đồng thời tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi và an toàn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Để có thể phấn đấu đạt được kết quả nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam. Tại nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác logistics với Hàn Quốc.
Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics hai nước đã cùng các hiệp hội ngành hàng khác tìm các giải pháp để tối ưu hóa hoạt động logistics, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; kiến nghị với Chính phủ hai nước những vấn đề mang tính chiến lược, góp phần duy trì và ổn định chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp mỗi nước trong khu vực.
"Mặc dù đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua, hợp tác ngành logistics của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, chưa xứng tầm với tiềm năng quan hệ phát triển của hai nước", ông Trần Thanh Hải nhận định.
Đại diện các doanh nghiệp dịch vụ logistics Hàn Quốc, ông Kim Seok Goo - Giám đốc Tổng công ty Cảng Gyeonggi Pyeongtaek cho biết, với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã tạo điều kiện, động lực cho các doanh nghiệp Hàn Quốc như Tổng công ty Cảng Gyeonggi Pyeongtaek tăng cường các hoạt động xúc tiến kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời mong muốn những sự kiện kết nối như thế này sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.
Tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics hai nước
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc cùng thảo luận xu hướng phát triển của ngành, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và cơ hội với ngành dịch vụ logistics của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Trao đổi, đánh giá hiện trạng, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển dịch vụ logistics thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu của mỗi nước. Khuyến nghị những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường quốc tế. Chia sẻ những bài học kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển để các doanh nghiệp khởi nghiệp học tập kinh nghiệm.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, trong tương lai tiềm năng tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc là rất lớn. Hiện tại có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, trong đó có lĩnh vực dịch vụ logistics có mặt và hoạt động tại Việt Nam.
Theo ông Lễ, việc phát triển xuất nhập khẩu và hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ logistics giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng có nhiều thuận lợi như: các phương tiện vận chuyển phát triển mạnh, có đường bay trực tiếp giữa hai nước, chất lượng dịch vụ tốt, đặc biệt chất lượng dịch vụ logistics của hai nước được nâng lên... Đây là cơ sở cho thương mại và các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm và đã đầu tư khá nhiều vào các ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam và cũng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các liên doanh, hoạt động hiệu quả...
Từ góc độ một doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics, đồng thời là Nhà đầu tư cảng biển, ông Nguyễn Quốc Trung - Công ty cổ phần Hàng hải VSICO tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc là rất lớn bởi hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên tính kết nối giữa các cảng biển của Việt Nam và Hàn Quốc chưa đáp ứng được nhu cầu, tiềm năng và kỳ vọng phát triển của doanh nghiệp hai nước.
"Là một hãng tàu, đồng thời cũng là doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế, chúng tôi rất quan tâm đến các hoạt động kết nối giữa các cảng biển hai nước", ông Trung chia sẻ.
Ông Trung cũng cho biết, hiện nay lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực miền Trung nước ta và trên hành lang kinh tế Đông - Tây giữa các nước Lào, Thái Lan, Myanmar là rất lớn, tuy nhiên chúng ta chưa có tuyến vận tải trực tiếp từ Hàn Quốc đến khu vực miền Trung. Hy vọng, thời gian tới đây khi cảng Chân Mây đi vào hoat động sẽ giúp gắn kết hơn tuyến hàng hóa này giữa hai nước.
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện đơn vị đồng tổ chức là Tổng công ty Cảng Gyeonggi Pyeongtaek đã giới thiệu về hoạt động của Tổng công ty và cảng Pyeongtaek - một trong những cảng biển lớn nhất Hàn Quốc và trao đổi những tiềm năng, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics của Việt Nam.
Theo giới thiệu, Tổng công ty Cảng Gyeonggi Pyeongtaek là doanh nghiệp nhà nước của Hàn Quốc, được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển cảng Pyeongtaek như: xây dựng cơ sở hạ tầng cảng, khu cung ứng vật tư, xây dựng và vận hành khu phức hợp hậu cần... góp phần phát triển kinh tế của Hàn Quốc và khu vực.
Cảng Pyeongtaek là một trong những cảng biển thương mại, trung tâm logistics, kinh tế lớn của Hàn Quốc. Với vị trí thuận lợi nằm liền kề với 527 khu công nghiệp của khu vực thủ đô và khu vực miền Trung Hàn Quốc bao gồm khu công nghiệp quốc gia Poseung, Pyeongtaek là cảng cửa ngõ khu vực thủ đô Seoul với trọng tâm là sản xuất và tiêu dùng. Cảng Pyeongtaek cũng là cảng cứ điểm xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp toàn cầu của Hàn Quốc như: Samsung, LG, Hyundai, KIA...; thuận lợi trong kết nối sản xuất, xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...
Với 64 bến đỗ (bao gồm cả cầu cảng hành khách), cảng Pyeongtaek có năng lực bốc dỡ hàng hóa 97,6 triệu tấn. Tính đến cuối năm 2021, quy mô giao dịch qua cảng Pyeongtaek là 300,2 tỷ USD; tổng số 1,45 triệu doanh nghiệp hoạt động; thu hút được 2.855 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài...
Thông qua Hội thảo cũng góp phần tăng cường phối hợp xúc tiến thương mại, kết nối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp logistics hai nước Việt Nam - Hàn Quốc giao lưu, tiếp cận với đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất. Từ đó phát triển nguồn hàng, đối tác để thúc đẩy hoạt động và tăng trưởng của doanh nghiệp trong tình hình mới.