Chưa thể bỏ hạn mức tín dụng

Lo ngại nguy cơ nợ xấu, rủi ro bất ổn vĩ mô, lạm phát nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ quan điểm chưa thể bỏ hạn mức (room) tín dụng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là công cụ “lỗi thời” và đề xuất thay thế bằng công cụ lãi suất để điều hành.

Trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, từ năm 2024 đã không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này.

Tuy nhiên, với các tổ chức tín dụng còn lại, nhà điều hành tiếp tục giao room tín dụng. Thay vì cấp theo từng đợt như những năm trước, năm 2024, NHNN định hướng room tín dụng là 15% và giao hết room ngay từ đầu năm, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế.

NHNN duy trì quan điểm

Lý giải về nguyên nhân chưa thể bỏ room tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, còn một số khó khăn. Theo đó, khó khăn lớn nhất là do đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng và đến nay vẫn chưa thay đổi. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản.

Cơ quan này cho rằng, nếu ngân hàng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011. Ngoài ra, NHNN lo ngại điều này tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và rủi ro bất ổn vĩ mô, lạm phát.

Giai đoạn trước 2011, tỷ lệ tín dụng trên GDP tăng nhanh, kéo theo hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu tăng cao. Nhiều ngân hàng có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, các tổ chức quốc tế như IMF, WB và Moody’s cảnh báo việc nới lỏng tín dụng trong giai đoạn này làm tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với ổn định kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát nợ xấu. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây thêm ảnh hưởng kéo dài và nghiêm trọng đến nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng.

Chính vì vậy, NHNN đánh giá việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là cần thiết. Cũng theo NHNN, việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình và từng bước thực hiện phù hợp điều kiện thị trường.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình điều hành, NHNN đã và đang triển khai việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) với việc phân bổ room tín dụng.

NHNN cũng chỉ đạo các TCTD thực hiện giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế. Người đứng đầu NHNN cũng lưu ý cần triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao vai trò và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng.

Đề xuất thay thế công cụ khác

Liên quan tới vấn đề này, phát biểu ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị NHNN sớm có tổng kết đánh giá chính sách room tín dụng và tiến tới luật hóa vấn đề này.

Theo ông, để điều hành tín dụng, NHNN thực hiện công cụ phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ông cho rằng việc áp đặt room tín dụng có thể phát sinh tình trạng xin cho và đề nghị bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Về lâu dài, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Việc tăng giảm lãi suất điều hành sẽ do NHNN điều chỉnh và lựa chọn với các tỷ lệ khác nhau để phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng đây là công cụ đã “lỗi thời”, thế giới không sử dụng nữa. Vì thế, Việt Nam cần phải tiến tới sử dụng các công cụ khác, điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất thị trường. Trong đó, việc các TCTD đã và đang triển khai áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động là một thuận lợi cho việc thay đổi này.

Thực tế, ngay từ đầu năm nay NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trên kịch bản chỉ tiêu chung tăng trưởng tín dụng từ 14-15% và kèm thông điệp "sẵn sàng nới thêm hạn mức nếu các điều kiện phù hợp". Đây được đánh giá là bước thay đổi mới của NHNN trong điều hành tín dụng.

Thế nhưng, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, trong đó tiêu biểu nhất là quan điểm của chuyên gia Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN, trong quá trình điều hành NHNN cần nghiên cứu sớm bỏ hạn mức tín dụng để linh hoạt rót vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế thì việc kiểm soát dòng vốn tín dụng của các tổ chức bằng các yếu tố khác như tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích... sẽ có phần khác so với lý thuyết. Bởi lẽ, dòng tín dụng trên thị trường dù được đánh giá là chất lượng và đi vào các lĩnh vực ưu tiên, song mặt khác cũng liên tục được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN thúc đẩy, yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ cho vay sân sau, lợi ích nhóm. Sau vụ việc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã đặt ra vấn đề kiểm soát sở hữu chéo và dòng vốn qua hệ thống ngân hàng.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, thay vì đặt vấn đề về quản lý hạn mức và các yêu cầu tăng room tín dụng để được cho vay nhiều hơn, hãy đổi lại bằng chất lượng tín dụng. Bởi bản chất của mong muốn tăng room tín dụng là lợi nhuận. Nôm na, ngân hàng cho vay được nhiều sẽ nhận được phần lãi từ cho vay nhiều, vì thế doanh thu, lợi nhuận đều tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng mà lại có những khoản cho vay không an toàn, phát sinh nợ xấu thì lợi nhuận của các khoản cho vay tốt bị bào mòn, thậm chí, không có lợi nhuận và mất vốn do nợ xấu, điều này đã xảy ra trong giai đoạn trước đây và hiện nay.

Đến ngày 31/1, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 3.479.677 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,10%). Đến cuối tháng 3, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34%. Nhưng từ ngày 29/3 đến 10/5 (42 ngày), tín dụng chỉ tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng, chậm lại đáng kể so với kết quả của tháng 3. Từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng tăng hơn 279.000 tỷ đồng.