Chứng khoán Mỹ nín thở chờ thông tin Fed giảm lãi suất

Ba chỉ số chính của Wall Street đã tăng hơn 1% vào thứ Hai khi giới đầu tư “săn lùng” các cơ hội mua vào sau đợt bán tháo tuần trước, đồng thời chờ đợi loạt báo cáo về lạm phát và quyết định chính sách tiếp theo của Fed trong những ngày tới…

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 484,18 điểm (+1,20%) lên 40.829,59 điểm, S&P 500 thêm 62,63 điểm (+1,16%) thành 5.471,05; và Nasdaq Composite leo 193,77 điểm (+1,16%) đạt 16.884,60 điểm.

Cả 11 ngành chính thuộc S&P 500 đều tăng điểm, dẫn đầu là nhóm tiêu dùng không thiết yếu với đà tăng 1,63%, theo sau là công nghiệp tăng 1,56%. Lĩnh vực có mức tăng ít nhất là dịch vụ viễn thông, chỉ nhích 0,04%.

Cổ phiếu Apple có một ngày giao dịch mờ nhạt vào thứ Hai, đóng cửa tăng nhẹ 0,04% sau khi giảm gần 2% khi hãng ra mắt iPhone 16. Việc ra mắt điện thoại của Apple diễn ra chỉ vài giờ sau khi đối thủ Trung Quốc Huawei bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho điện thoại gập ba Mate XT.

Cổ phiếu Boeing tăng 3,4% sau thông tin hãng và công đoàn lớn nhất của họ, bao gồm 32.000 công nhân, đạt được thỏa thuận tạm thời để tránh được nguy cơ đình công.

Cổ phiếu của Palantir leo vọt 14% và Dell Technologies tăng 3,8% nhờ công bố gia nhập chỉ số S&P 500 vào ngày 23/9.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,75 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,72 tỷ trong 20 phiên vừa qua.

Vào cuối tuần trước, Nasdaq Composite đã ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 1/2022, trong khi S&P 500 chứng kiến đà giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Ngoài lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, giới đầu tư còn đối mặt với sự không chắc chắn về quyết định lãi suất sắp tới của Fed. Tuy nhiên, họ đã trở lại thị trường với tâm lý có vẻ lạc quan hơn vào 9/9. “Các nhà đầu tư đã có thời gian suy nghĩ vào cuối tuần. Rõ ràng họ đã có phản ứng thái quá đối với dữ liệu kinh tế tuần trước, khi nỗi lo sợ về suy thoái dấy lên”, Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu tại Invesco nhận xét.

Các sự kiện quan trọng trong tuần này bao gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ Kamala Harris - Donald Trump.

Trong khi chờ đợi, chiến lược gia trưởng Phil Blancato tại Osaic Wealth cho biết nhiều nhà giao dịch đang xem xét lại các cổ phiếu chất lượng cao hơn với giá rẻ hơn. Ông đặc biệt nhấn mạnh cổ phiếu của Nvidia, vốn đã tăng 3,5% vào thứ Hai sau khi giảm 15,3% vào tuần trước.

Tuy nhiên, giao dịch nói chung thường trầm lắng hơn trước thềm công bố tin tức kinh tế lớn. "Thị trường đang kỳ vọng một con số CPI rất nhẹ nhàng và một đợt cắt giảm lãi suất của Fed. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không nhận được điều đó?”, ông Blancato lưu ý.

GIÁ DẦU TĂNG NHẸ

Giá dầu tăng khoảng 1% vào thứ Hai do lo ngại rằng một cơn bão dự báo sẽ tấn công Louisiana (Mỹ) sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất và tinh chế dầu dọc Bờ Vịnh Mỹ.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 78 cent, tương đương 1,1%, lên 71,84 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,04 USD, tương đương 1,5%, lên 68,71 USD/thùng.

Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ dự đoán cơn bão Francine sẽ mạnh lên thành bão vào thứ Ba trước khi đổ bộ vào bờ biển Louisiana. Theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Bờ Vịnh chiếm khoảng 50% công suất tinh chế dầu của đất nước. “Một sự phục hồi nhỏ về giá đang diễn ra... được thúc đẩy bởi cảnh báo bão có thể đe dọa Bờ Vịnh Mỹ, nhưng cuộc thảo luận rộng lớn hơn vẫn xoay quanh việc nhu cầu suy yếu và OPEC+ có thể làm gì”, nhà phân tích John Evans tại PVM chỉ ra.

OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga. Tại Libya, một thành viên của OPEC, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nước này đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với một số lô hàng dầu thô xuất khẩu từ cảng Es Sider, với sản lượng dầu bị hạn chế do bế tắc chính trị liên quan đến ngân hàng trung ương và doanh thu dầu mỏ.