Có bán, có mua

Việc nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) nhiều tháng qua không có gì mới lạ. Và thực tế thì VN Index cũng không chịu ảnh hưởng quá nhiều mà trái lại, luôn có nhiều diễn biến tích cực và cơ hội cho tất cả NĐT.

Trong phiên giao dịch ngày 12/6, VN Index đã bứt phá để chinh phục ngưỡng 1.300 điểm sau một thời gian tích lũy. Như vậy, đã đến lúc cần nhìn ở một chiều hướng khác quanh động thái bán ròng của khối ngoại, mà cụ thể ở đây là ở chiều mua.

Cần nhớ rằng, bán ròng đồng nghĩa với bán nhiều hơn mua chứ không phải chỉ có bán mà không có mua. Theo dõi 20 phiên giao dịch gần nhất tính cho đến ngày 12/6, giá trị mua của NĐT nước ngoài tại sàn HoSE có tính ổn định rất cao khi dao động trong vùng 1,5-3 triệu USD mỗi phiên. Hôm 11/6, thị trường đón nhận thông tin một quỹ ETF có quy mô hơn 400 triệu USD sẽ tiến hành thanh lý và ngừng giao dịch vào ngày 31/3/2025, tức là sau khoảng chín tháng nữa. Nhìn vào những số liệu này sẽ hiểu phần nào vì sao dẫn đến tình trạng bán ròng.

Dòng tiền mua vào ổn định cho thấy niềm tin của NĐT nước ngoài dành cho TTCK Việt Nam vẫn được duy trì xuyên suốt. Mặt khác, giả sử có những quỹ mới xuất hiện thì dòng tiền cũng sẽ giải ngân theo hướng lựa chọn thời điểm thay vì chỉ thực hiện cấp tập trong ngắn hạn. Nhưng theo chiều ngược lại, nếu có quỹ phải tiến hành rút vốn hay thanh lý thì động thái sẽ trở nên quyết liệt hơn vì có thời hạn đề ra. Thời gian bán sẽ gấp rút hơn thời gian quỹ cần mua, nên lực bán sẽ dồn dập trong ngắn hạn là chuyện tất nhiên.

Cũng phải nói thêm, do nhiều quỹ hiện nay hoạt động dưới hình thức quỹ mở thay vì quỹ đóng như trước, đồng nghĩa với việc NĐT sẽ bỏ tiền vào quỹ theo nhiều giai đoạn, nên chỉ khi có thêm tiền thì quỹ mới tiến hành mua thêm. Về mặt bối cảnh, TTCK hiện nay thu hút số lượng quỹ đầu tư ngày càng đa dạng về quy mô cũng như quốc gia nên dòng tiền ban đầu có thể sẽ không dồn dập mà ở trạng thái thăm dò nên chưa cao, nhưng ổn định.

Một điều đã diễn ra với NĐT cá nhân thì cũng diễn ra với NĐT tổ chức, đó chính là sự “thay máu” hay “tái chọn lọc” trên thị trường. Biến động của cổ phiếu nói riêng hay toàn TTCK nói chung trong bốn năm qua đã có nhiều thay đổi và kéo theo NĐT cũng phải thay đổi để thích nghi. Chẳng hạn, số lượng CP tăng giá ngày một nhiều, những CP có chất lượng cao cũng sẽ có tỷ lệ tăng giá mạnh nhất, nhưng nắm bắt được cơ hội hay không lại phụ thuộc vào khả năng của NĐT. Trước đây có quỹ đầu tư công bố các mô hình đầu tư nghe có vẻ lạ lẫm thì giờ đây thậm chí AI (trí tuệ nhân tạo) đã được ứng dụng để tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK. Với những quỹ đầu tư có hàng chục năm tuổi trên TTCK Việt Nam nhưng bắt đầu bộc lộ sự già cỗi hoặc kém hiệu quả hơn các quỹ khác thì việc rút lui là tất yếu. Và cũng nên nhắc đến chi tiết những quỹ đầu tư nội địa dành cho NĐT trong nước trong vài năm qua đã cho tỷ suất sinh lời lên đến vài chục %/năm cũng khiến nhiều quỹ ngoại chịu áp lực.

Vì vậy, nhìn ở góc độ tích cực thì khối ngoại có bán ròng cũng chính là cơ hội để những “tay chơi” mới xuất hiện trên thị trường có hàng hóa mua vào tích lũy cho danh mục của mình, có bán ắt sẽ có mua vì TTCK vẫn bộc lộ rất nhiều tiềm năng và cơ hội.