Dữ liệu kinh tế ảm đạm khiến chứng khoán Mỹ lao dốc

Thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu tháng 8 với mức sụt giảm mạnh sau khi một loạt dữ liệu kinh tế mới làm dấy lên lo ngại nền kinh tế có thể đang chậm lại, trong khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt…

Kết thúc phiên 1/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 494,82 điểm (-1,21%) còn 40.347,97 điểm, S&P 500 mất 75,62 điểm (-1,37%) thành 5.446,68 điểm và Nasdaq Composite trượt 405,25 điểm (-2,30%) xuống 17.194,15 điểm.

Thị trường đã có các diễn biến tích cực vào đầu phiên, một phần nhờ vào động lực Meta Platforms sau khi kết quả quý của công ty vượt kỳ vọng và đồng thời đưa ra triển vọng lạc quan cho quý thứ ba. Cổ phiếu của Meta đóng cửa tăng 5,87% và là động lực chính cho S&P 500.

Tuy nhiên, mức tăng đó đã nhanh chóng bốc hơi sau khi dữ liệu kinh tế mới của Mỹ được công bố. Cụ thể, chỉ số hoạt động sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) trong tháng 7 đã giảm xuống 46,8 điểm, mức thấp nhất trong 8 tháng qua.

"Điều này một lần nữa làm dấy lên nỗi sợ hãi rằng Fed đang chậm chân trong việc cắt giảm lãi suất," Lou Basenese, chiến lược gia trưởng của MDB Capital cho biết.

Một dữ liệu đáng chú ý khác là số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước đã tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng, cho thấy thị trường lao động đang có dấu hiệu chững lại. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo việc làm, được công bố vào thứ Sáu, để tìm kiếm thêm manh mối về các dấu hiệu suy yếu.

Tháng 8 thường là một trong những tháng có hoạt động chậm nhất trong năm đối với thị trường chứng khoán.

Vào phiên trước (31/7), cả S&P 500 và Nasdaq đều ghi nhận mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 2, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của cổ phiếu chip sau khi Fed giữ nguyên lãi suất đúng như dự kiến.

Đà sụt giảm của các cổ phiếu vốn hóa lớn như Apple (-1,68%) và Amazon (-1,56%) cũng đã gây áp lực nặng nề lên các nhóm ngành công nghệ và tiêu dùng tùy ý, khiến chúng trở thành 2 lĩnh vực có hoạt động kém nhất trong số 11 ngành chính thuộc S&P 500.

Sau khi đóng cửa, cổ phiếu Amazon giảm tiếp 4,47% do kết quả kinh doanh và triển vọng quý không được như kỳ vọng.

Dự báo doanh thu thận trọng của Arm Holdings và Qualcomm, trích dẫn các tác động tiêu cực của hạn chế thương mại, đã khiến cổ phiếu Arm trượt 5,72% trong khi Qualcomm giảm 9,37%. Nvidia cũng mất 6,67%.

Chỉ số bán dẫn PHLX mất 7,14%, mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Trong số 342 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, 79,2% vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích, cao hơn một chút so với mức 79% trong 4 quý trước. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ước tính cho quý 2/2024 là 13,3%.

Ở các diễn biến riêng lẻ khác, Moderna lao dốc tới 21,01% sau khi cắt giảm dự báo doanh số bán vaccine Covid-19 và vaccine virus hô hấp hợp bào tới 25%.

Ngược lại, Eli Lilly lại tăng 3,5% nhờ kết quả thử nghiệm gần đây cho thấy thuốc giảm cân Zepbound giảm nguy cơ nhập viện, tử vong và các hậu quả khác đối với người trưởng thành béo phì mắc một loại suy tim phổ biến.

Chỉ số Russell 2000 vốn hóa nhỏ giảm 3,03%, mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ 13/2. Cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã có nhiều biến động trong thời gian gần đây khi các nhà đầu tư luân chuyển giữa các cổ phiếu giá rẻ và cổ phiếu đắt đỏ hơn.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 14,15 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,71 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua

GIÁ DẦU GIẢM HƠN 1 USD

Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,32 USD, tương đương 1,6%, ở mức 79,52 USD/thùng, dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,60 USD, tương đương 2,1%, xuống 76,31 USD/thùng.

Trong phiên trước đó, cả hai đã chứng kiến mức tăng hơn 4% khi các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Tuy nhiên đến nay, thị trường đã “bình tĩnh” lại và bắt đầu chuyển sự chú ý ra khỏi các vấn đề địa chính trị và tập trung vào triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu, ông Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao tại BOK Financial nhận xét.

Trong cuộc họp mới đây của OPEC+, các chính sách về sản lượng dầu mỏ đều đã được giữ nguyên. Chính sách của OPEC+, như đã được thống nhất vào tháng 6, yêu cầu một số thành viên phải giảm dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025. Tổ chức cũng đồng ý gia hạn cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2025.

Hỗ trợ giá dầu là dữ liệu cho thấy nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ đã đẩy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng trong tuần.

Về dài hạn, các nhà đầu tư cho rằng nhu cầu yếu kém ở Trung Quốc sẽ hạn chế các đà tăng tích cực của giá dầu, nhà phân tích Phillip Nova của Priyanka Sachdeva cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng lo ngại này sẽ hạn chế mức tăng giá dầu.

Tin liên quan