Chứng khoán Mỹ đi ngang, nhà đầu tư thận trọng chờ các dữ liệu kinh tế mới

Các báo cáo sắp được công bố gồm thu nhập từ các công ty công nghệ lớn, quyết định chính sách của Fed và dữ liệu việc làm quan trọng ở Mỹ…

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 49,41 điểm (-0,12%) xuống 40.539,93 điểm, trong khi S&P 500 nhích 4,44 điểm (+0,08%) lên 5.463,54 điểm và Nasdaq Composite tăng 12,32 điểm (+0,07%) thành 17.370,20 điểm.

Trong số 11 chỉ số ngành chính của S&P 500, tiêu dùng không thiết yếu là động lực lớn nhất, phần lớn nhờ vào đà tăng mạnh của cổ phiếu Tesla (+5,6%) sau khi Morgan Stanley đưa công ty vào danh sách "lựa chọn hàng đầu" đối với các hãng xe Mỹ.

Ngành giảm tỷ lệ phần trăm lớn nhất là năng lượng, trượt 0,9% do giá dầu hạ.

Ở một số diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu của McDonald's đóng cửa tăng 3,7% sau thông tin thực đơn tiết kiệm trị giá 5 USD của hãng rất được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của hãng cũng bất ngờ giảm trong quý 2, lần đầu tiên trong 13 quý, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và hạn chế ăn ngoài.

Giao dịch cổ phiếu tiền điện tử cũng biến động mạnh với Coinbase Global đóng cửa giảm 3% trong khi Riot Platforms và Marathon Digital mất hơn 5% sau khi tăng vọt vào đầu ngày vì giá Bitcoin đạt mức cao nhất trong 7 tuần.

Báo cáo lợi nhuận quý từ những tên tuổi lớn như Microsoft, Apple, Meta và Amazon.com trong tuần này sẽ cung cấp thêm manh mối về việc liệu cổ phiếu công nghệ có thể kéo dài đà tăng gần đây hay sẽ chịu tác động tiêu cực.

Các nhà đầu tư cũng hy vọng Fed sẽ kết thúc cuộc họp sắp tới với tín hiệu lạc quan cho việc chuẩn bị cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Đến thứ Sáu, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 để tìm dấu hiệu suy yếu có thể xảy ra trên thị trường lao động.

“Hiển nhiên là thị trường đang dao động”, Mona Mahajan, giám đốc điều hành và chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Edward Jones cho biết, chỉ ra các chất xúc tác sắp tới và tiến triển của Phố Wall vào thứ Sáu.

"Thị trường phần lớn đang ở trạng thái chờ đợi và quan sát. Chúng ta có các tin tức kinh tế lớn trong tuần này, bao gồm cuộc họp của Fed và báo cáo việc làm của Mỹ. Bên cạnh đó là báo cáo thu nhập từ các công ty công nghệ vốn hóa lớn”, bà Mahajan lưu ý.

GIÁ DẦU GIẢM 2%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm gần 2% vào thứ Hai, với hợp đồng tương lai dầu Brent kết thúc phiên ở mức 79,78 USD/thùng, giảm 1,35 USD, tương đương 1,7%. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,35 USD, tương đương 1,8%, xuống còn 75,81 USD/thùng.

"Mặc dù căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông, nhưng vì chưa có bất kỳ gián đoạn nguồn cung nào nên phản ứng của giá là hạn chế”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết.

Vào tuần trước, dầu Brent và WTI đều lần lượt giảm 1,8% và 3,7% do nhu cầu của Trung Quốc suy yếu và có hy vọng nhen nhóm về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

"Các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc cũng đang hút hết “sức sống” ra khỏi thị trường dầu mỏ", Bob Yawger, giám đốc giao dịch năng lượng tại Mizuho nhận xét.

Dữ liệu mới công bố tháng này cho thấy tổng nhập khẩu dầu nhiên liệu của Trung Quốc đã trượt giảm 11% trong nửa đầu năm 2024, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu rộng hơn của nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá dầu cũng chịu áp lực khi có tin nhà máy lọc dầu khổng lồ Dangote ở Nigeria đang bán lại các lô hàng dầu thô của Mỹ và Nigeria sau khi xảy ra sự cố kỹ thuật tại nhà máy.