S&P 500 và Nasdaq "chìm" trong phiên giao dịch đầy biến động

S&P 500 và Nasdaq đều giảm điểm trong phiên 25/7 và chưa thể lấy lại đà phục hồi sau đợt bán tháo diễn ra từ ngày hôm trước khi các nhà đầu tư vẫn phân vân về hướng đi của các cổ phiếu megacap…

Kết thúc phiên 25/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 81,20 điểm (+0,20%) lên 39.935,07 điểm, S&P 500 giảm 27,91 điểm (-0,51%) xuống 5.399,22 điểm, trong khi Nasdaq Composite mất 160,69 điểm (-0,93%) còn 17.181,72 điểm.

Chỉ số Dow Jones giữ vững được đà tăng từ đầu phiên nhờ dữ liệu GDP của Mỹ mạnh hơn dự kiến.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng hoạt động tích cực khi các nhà đầu tư tìm kiếm các động lực mới, với chỉ số Russell 2000 tăng 1,3% để phần nào bù đắp một số khoản lỗ của ngày trước đó.

Các cổ phiếu megacap đa phần đều “chật vật” trong phiên, trong đó Meta Platforms, Microsoft và Nvidia đóng cửa giảm từ 1,7% đến 2,4%.

Cổ phiếu của Alphabet tiếp tục lao dốc ở phiên thứ hai liên tiếp, trượt 3,1% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 6/5.

Ngược lại, cổ phiếu Tesla lại ghi nhận đà phục hồi.

Kết quả kinh doanh đáng thất vọng của công ty mẹ Google và nhà sản xuất xe điện Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả nhóm Magnificent Seven trong phiên trước, khiến Nasdaq và S&P 500 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 2022.

Chỉ số biến động Cboe, được gọi là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, mở rộng phạm vi lên 18,46 điểm, mức cao nhất trong 14 tuần.

Mặc dù các cổ phiếu lớn đã thúc đẩy thị trường lên mức cao kỷ lục trong năm nay, nhưng đợt bán tháo vào thứ Tư đã củng cố nỗi lo ngại rằng các cổ phiếu này có thể bị kéo căng quá mức và đang phải đối mặt với nhiều biến động hơn.

Mối lo ngại đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển hướng sang một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ và các lĩnh vực khác ngoài công nghệ. Chỉ số S&P vốn hoá nhỏ 600 tăng 1,4% vào thứ Năm.

Trong số các diễn biến được tác động bởi kết quả kinh doanh, cổ phiếu của IBM tăng 4,3% và đồng thời thúc đẩy chỉ số Dow Jones sau khi công ty vượt qua ước tính doanh thu quý 2 và nâng dự báo tăng trưởng hàng năm cho hoạt động kinh doanh phần mềm.

American Airlines leo 4,2% dù cho đã cắt giảm dự báo lợi nhuận hàng năm. Southwest Airlines cũng thêm 5,5% nhờ thông báo thực hiện các thay đổi dịch vụ, bao gồm chấm dứt chỗ ngồi mở và cung cấp ghế có khoảng cách chân rộng rãi hơn.

Sự tăng trưởng của các hãng hàng không và công ty hậu cần, với Old Dominion tăng 5,7% và J B Hunt tăng 4,3%, đã giúp chỉ số vận tải Dow Jones tăng 1,3%.

Trong khi đó, cổ phiếu Ford lao dốc tới 18,4% sau khi lợi nhuận điều chỉnh quý thứ hai của nhà sản xuất ô tô không đạt được như kỳ vọng. Edwards Lifesciences mất 31,3% do không đạt ước tính doanh thu quý thứ hai.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,23 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,60 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch gần đây.

Về khía cạnh kinh tế, báo cáo GDP mới cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8% trong quý thứ hai so với ước tính là 2%.

Lạm phát giảm, khiến kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9 vẫn nguyên vẹn. Tất cả các con mắt giờ đây đều đang đổ dồn về dữ liệu giá tiêu dùng cá nhân sẽ được công bố vào ngày 26/7.

GIÁ DẦU TĂNG NHẸ

Trên thị trường lao động, giá dầu đóng cửa ở mức cao hơn sau khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu dầu thô tăng cao, nhưng mức tăng cũng bị hạn chế bởi lo ngại về lượng dầu nhập khẩu giảm ở Trung Quốc.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 66 cent, tương đương 0,81%, lên 82,37 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 69 cent, tương đương 0,89%, lên 78,28 USD/thùng.

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 25/7 cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý thứ hai trong khi lạm phát tiếp tục giảm, thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất.

Lãi suất thấp hơn dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế và gia tăng tiêu thụ dầu.

"Dữ liệu GDP của Mỹ chỉ ra rằng nền kinh tế đang tăng trưởng khá tốt. Đó là dấu hiệu cho thấy một cuộc “hạ cánh mềm”, Bob Yawger, giám đốc hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho cho biết.

Tại Trung Quốc, nhập khẩu dầu và hoạt động lọc dầu năm nay có xu hướng thấp hơn so với năm 2023 do nhu cầu nhiên liệu yếu hơn giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

"Mặc dù dữ liệu kinh tế Trung Quốc vẫn gây thất vọng, nhưng chúng tôi bắt đầu thấy lượng dầu tồn kho giảm nhiều hơn. Khả năng cao là tăng trưởng nguồn cung đang chậm hơn so với tăng trưởng nhu cầu", nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận xét.

Tin liên quan