Giá dầu tăng, cổ phiếu Big Tech sụt giảm, kéo Nasdaq chìm trong sắc đỏ

Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến phiên giao dịch biến động mạnh vào 11/7. Chỉ số Nasdaq giảm điểm do cổ phiếu của Nvidia, Apple và Tesla lao dốc…

Kết thúc phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,08% lên 39.753,75 điểm. S&P 500 giảm 0,88% và đóng cửa phiên ở mức 5.584,54 điểm trong khi chỉ số Nasdaq trượt 1,95% xuống 18.283,41 điểm.

Phiên giao dịch 11/7 đã chấm dứt chuỗi 7 ngày đóng cửa ở mức cao kỷ lục của Nasdaq và chuỗi 6 ngày của S&P 500. Đây cũng là mức giảm theo tỷ lệ phần trăm trong một ngày lớn nhất của Nasdaq kể từ ngày 30/4. Nguyên nhân chính đến từ việc các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các công ty nhỏ hơn.

Chỉ số S&P 500 cũng mất điểm sau khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm bất ngờ trong tháng 6. Đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong một năm qua, từ đó củng cố cho niềm tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Ngược lại, chỉ số Dow Jones chốt phiên với đà tăng nhẹ.

Ngược lại với đà giảm hơn 2% của nhóm công nghệ và dịch vụ truyền thông, lĩnh vực bất động sản của S&P 500 tăng vọt 2,7%, cắt mức lỗ từ đầu năm đến nay xuống còn 1%.

Mặc dù lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt, cổ phiếu của các công ty công nghệ hàng đầu Phố Wall vẫn chịu áp lực. Cụ thể, Microsoft và Amazon đều giảm hơn 2%, còn Meta Platform mất tới 4%.

Tesla trượt dốc 8,4%, mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 1, sau khi Bloomberg News đưa tin công ty đang trì hoãn việc ra mắt xe taxi tự lái thêm khoảng hai tháng đến tháng 10.

Khác với Big Tech, cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn ghi nhận mức tăng ấn tượng. Chỉ số Russell 2000, vốn tụt hậu đáng kể so với chỉ số chuẩn trong năm 2024, đã tăng thêm 3,6% và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Lý do là bởi giới đầu tư đang kỳ vọng rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ cải thiện điều kiện kinh doanh cho các công ty nhỏ.

Trong khi đó, Delta Air Lines mất gần 4% do dự báo lợi nhuận thấp hơn dự kiến trong quý hiện tại. Cổ phiếu của các hãng hàng không lớn khác cũng đi xuống với chỉ số hàng không thuộc S&P 500 giảm 2,7%. "Đây có thể là một lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn bởi lạm phát, thể hiện ở việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu tùy ý cho các mặt hàng như vé máy bay”, Scott Helfstein, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Global X nhận xét.

Giá cổ phiếu của Citigroup trượt 1,9% sau khi các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ phạt tổ chức này 136 triệu USD.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,6 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,5 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch trước đó.

Dự báo trên thị trường cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược hơn 90% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, theo công cụ Fedwatch của CME Group.

"Điều mà các nhà đầu tư hiện đang háo hức là khả năng Fed sẵn sàng bắt đầu cắt giảm lãi suất. Có lẽ với họ, các tín hiệu lạc quan này đã là đủ chứ không bắt buộc phải chờ đợi cho đến khi Fed thực sự cắt giảm”, ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research cho biết.

Thị trường cũng đang chờ đợi dữ liệu Chỉ số giá sản xuất (PPI) vào 12/7 để có thêm thông tin về diễn biến lạm phát, cùng với báo cáo lợi nhuận quý 2 của các ngân hàng lớn.

GIÁ DẦU TIẾP TỤC TĂNG CAO

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng ở phiên thứ hai liên tiếp, với hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 32 cent, tương đương 0,4%, lên 85,40 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 52 cent, tương đương 0,6%, lên 82,62 USD/thùng.

Dữ liệu mới cho thấy CPI của Mỹ giảm trong tháng 6, củng cố thêm hy vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Các nhà phân tích của Growmark Energy lưu ý, lạm phát chậm lại và cắt giảm lãi suất có thể sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn.

Các diễn biến này đã kéo chỉ số đồng USD giảm và hỗ trợ cho giá dầu.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng triển vọng nhu cầu dầu đang rất mong manh. Trong báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại xuống dưới một triệu thùng/ngày trong cuối năm nay và năm tới, chủ yếu phản ánh sự suy giảm tiêu thụ ở Trung Quốc.

Ngược lại, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu ở mức 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm tới trong báo cáo hàng tháng.