S&P 500 và Nasdaq đạt đỉnh mới, nhà đầu tư ồ ạt mua cổ phiếu chip

S&P 500 và Nasdaq đã đạt mức cao kỷ lục vào 8/7 khi các nhà đầu tư chờ đón dữ liệu lạm phát mới, bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell và mùa báo cáo thu nhập quý bắt đầu…

Kết thúc phiên 8/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jone giảm 0,08% xuống 39.344,79 điểm, S&P 500 nhích 0,10% và đóng cửa ở mức 5.572,85 điểm, Nasdaq tăng 0,28% lên 18.403,74 điểm.

Đây là lần thứ năm liên tiếp Nasdaq đạt mức đóng cửa kỷ lục và lần thứ tư liên tiếp của S&P 500.

Trong số 11 chỉ số thuộc S&P 500, có 6 lĩnh vực giảm điểm, bao gồm dịch vụ truyền thông, giảm 1,01%, tiếp theo là năng lượng giảm 0,59%.

Cổ phiếu của Paramount Global giảm 5,3% sau khi công ty đồng ý sáp nhập với Skydance Media, mở ra một chương mới cho một trong những hãng phim lâu đời nhất Hollywood.

Các cố phiếu trong ngành sản xuất chip dẫn đầu đà tăng, với Nvidia thêm gần 2%, Intel tăng hơn 6% và Advanced Micro Devices tăng thêm 4%, nâng chỉ số bán dẫn Philadelphia lên 1,9%.

Boeing leo 0,55% khi nhà sản xuất máy bay đồng ý nhận tội gian lận hình sự và nộp phạt 243,6 triệu USD để giải quyết cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về hai vụ tai nạn chết người của máy bay 737 MAX.

Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo dự kiến sẽ khởi động mùa báo cáo thu nhập quý hai của Phố Wall vào thứ Sáu. Cổ phiếu Citigroup tăng 1,1%, trong khi Wells Fargo giảm 1%. Theo ước tính trung bình của các nhà phân tích, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tổng hợp của các công ty S&P 500 sẽ tăng 10,1% trong quý 2, so với mức tăng 8,2% trong quý 1/2024.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ tương đối thấp với 10,1 tỷ cổ phiếu, ít hơn so với mức trung bình 11,6 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch trước đó.

Về khía cạnh kinh tế, các nhà giao dịch sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu giá tiêu dùng, dự kiến công bố vào 11/7 và dữ liệu giá sản xuất, dự kiến công bố vào 12/7, để đánh giá tiến độ kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giới đầu tư cũng lo ngại rằng việc chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất có thể làm tổn hại tới thị trường lao động và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Họ sẽ theo dõi chặt chẽ bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước các ủy ban Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào 9 và 10/7.

“Điều mà các nhà đầu tư muốn nghe là giọng điệu ôn hòa và thừa nhận rằng các rủi ro hai chiều hiện nay đang cân bằng hơn, đặc biệt là đối với thị trường lao động”, Ross Mayfield, một nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird cho biết.

Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 9 đã tăng lên sau khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào tuần trước cho thấy tăng trưởng việc làm ở Mỹ chậm lại vào tháng 6. Đây là dữ liệu mới nhất cho thấy tình trạng suy yếu trong điều kiện thị trường lao động.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện đặt cược hơn 75% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9, cao hơn mức 60% của tuần trước.

GIÁ DẦU GIẢM

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong một tuần vào 8/7 do cơn Bão Beryl buộc các nhà máy lọc dầu và cảng biển của Mỹ dọc theo Vịnh Mexico phải đóng cửa. Bên cạnh đó, thị trường hy vọng một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng ở Gaza có thể giảm bớt lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 79 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 85,75 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 83 cent, tương đương 1,0%, xuống mức 82,33 USD/thùng.

Cơn bão Beryl đã đổ bộ vào bang Texas (Mỹ) với gió mạnh và mưa lớn. Các cảng dầu bị đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy và hơn 2,7 triệu hộ dân và doanh nghiệp bị mất điện. Texas là bang sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên lớn nhất của Mỹ.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates cho biết trong một lưu ý: "Một phần nguyên nhân khiến giá giảm là do việc giảm thiểu rủi ro vào sáng nay, vì những biện pháp phòng ngừa được thực hiện trước khi Beryl đổ bộ đã được gỡ bỏ do các cơ sở dầu thô thiệt hại tương đối ít ở các khu vực bị ảnh hưởng”.

Ở những nơi khác, giới đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến các cuộc bầu cử tại Vương quốc Anh, Pháp và Iran để xem xem liệu sẽ có ảnh hưởng đến địa chính trị và chính sách năng lượng như thế nào.

Tại Đức, xuất khẩu giảm mạnh hơn dự kiến vào tháng 5 do nhu cầu yếu từ Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu.

Tại châu Á, nhập khẩu dầu thô giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do lượng nhập khẩu vào Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - giảm mạnh.

Ở Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, tiêu thụ nhiên liệu tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 19,99 triệu tấn trong tháng 6.