Chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiên về công nghệ đã tăng mạnh trong phiên 3/7 để đạt mức đóng cửa cao kỷ lục, khi dữ liệu chỉ ra nền kinh tế đang yếu đi làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9…
Kết thúc phiên 3/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 23,85 điểm (-0,06%) xuống 39.308,00 điểm, S&P 500 thêm 28,01 điểm (+0,51%) thành 5.537,02 và Nasdaq Composite tăng 159,54 điểm (+0,88%) lên 18.188,30 điểm.
Chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức thấp hơn một chút do chịu áp lực bán ra ở các cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng trong phiên giao dịch rút ngắn trước ngày 4/7. Thị trường sẽ đóng cửa vào thứ Năm nhân Ngày Quốc khánh Mỹ, đây cũng là lý do khiến khối lượng giao dịch thấp hơn trong suốt cả tuần.
Chỉ số Chất bán dẫn Philadelphia SE tăng 1,92%, nhờ sự bứt phá của cổ phiếu Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TMSC) và Broadcom.
Ở các diễn biến riêng lẻ khác, Tesla tăng 6,5%, giao dịch gần mức cao nhất trong 6 tháng, sau khi tăng hơn 10% vào phiên trước đó nhờ báo cáo về lượng giao xe trong quý hai giảm ít hơn dự kiến.
Nvidia đóng cửa cao hơn 4,6% sau khi trượt dốc vào thứ Ba, trong khi một số cổ phiếu lớn khác lại có vẻ “đuối” hơn, ví dụ như Amazon đóng cửa giảm 1,2%.
“Xu hướng hiện tại là đang xoay vòng… chúng ta có khá nhiều ngày mà chỉ số vốn hoá nhỏ Russell đi xuống, công nghệ đi lên và ngược lại” ông David Morrison, nhà phân tích thị trường cấp cao của Trade Nation nhận xét và lưu ý thêm rằng sự lạc quan của thị trường đối với các cổ phiếu megacap vẫn còn mạnh mẽ.
Paramount Global cũng nhảy vọt gần 7% sau khi National Amusements đạt được thỏa thuận sơ bộ để bán quyền kiểm soát công ty cho Skydance Media của doanh nhân David Ellison.
Khối lượng trên các sàn chứng khoán của Mỹ là 7,11 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,64 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, cả báo cáo Việc làm của ADP và dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mới được công bố đều chỉ ra điều kiện thị trường lao động Mỹ đang dịu bớt trước báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu.
Các nhà đầu tư hy vọng những dấu hiệu suy yếu trên thị trường lao động sẽ khuyến khích Fed cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, dữ liệu PMI từ Viện Quản lý Cung ứng cũng thấp hơn dự kiến và đơn đặt hàng nhà máy bất ngờ sụt giảm.
Theo FedWatch của LSEG, các nhà đầu tư đã tăng đặt cược về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 lên hơn 70%.
GIÁ DẦU TĂNG CAO KHI TỒN KHO CỦA MỸ GIẢM SÂU
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1% trong phiên 3/7 sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,10 USD, tương đương 1,3%, lên 87,34 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,07 USD, tương đương 1,3%, lên 83,88 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã báo cáo lượng dầu thô dự trữ trong kho của nước này giảm 12,2 triệu thùng vào tuần trước, nhiều hơn ước tính của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters cho thấy mức giảm 680.000 thùng.
Trong một cuộc khảo sát khác từ Reuters cho thấy, sản lượng của OPEC đã tăng ở tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 6, điều này đã phần nào gây áp lực lên đà đi lên của giá dầu. Nguồn cung cao hơn từ Nigeria và Iran đã bù đắp cho các tác động của việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện từ các thành viên khác trong liên minh OPEC+.
Một lý do nữa ảnh hưởng đến giá dầu nói chung là các tín hiệu cho thấy hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 8 tháng và niềm tin chạm mức thấp nhất 4 năm vào tháng 6. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất và diễn biến kinh tế chậm lại có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu toàn cầu.
Tăng trưởng kinh doanh tổng thể trên toàn khu vực đồng Euro cũng chững lại đáng kể trong tháng trước.
Kim Nguyễn