Để đối phó với tình hình lạm phát dai dẳng và khủng hoảng đồng nội tệ, Argentina đã chính thức phát hành một mệnh giá tiền giấy mới có giá trị nhất từ trước đến nay ở nước này, tờ 10.000 peso…
Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) đã đưa những tờ tiền mệnh giá 10.000 peso đầu tiên vào lưu thông vào 7/5, trong một bước đi được chờ đợi từ lâu nhằm hợp lý hóa việc sử dụng tiền mặt tại quốc gia này sau sự sụp đổ của đồng nội tệ.
Tờ tiền mới 10.000 peso tương đương khoảng 11 USD theo tỷ giá hối đoái chính thức của đất nước, có giá trị cao 5 lần so với tờ tiền lớn nhất trước đây là tờ 2.000 peso - bắt đầu được lưu hành vào năm ngoái và vẫn còn tương đối hiếm - và có giá trị gấp 10 lần so với tờ 1.000 peso phổ biến hơn.
Quyết định lưu hành đồng 10.000 peso được đánh giá là bước đi quyết liệt của chính phủ Argentina nhằm đối phó lại với tốc độ tăng giá đáng kinh ngạc ở nước này.
MỆNH GIÁ LỚN NHẤT
Thanh toán bằng tiền mặt vẫn là hình thức phổ biến nhất ở Argentina, nơi mà đa số các nhà bán lẻ thích nhận tiền mặt ngay lập tức giữa bối cảnh kinh tế bất ổn kinh niên và có nhiều đơn vị hoạt động ngoài sổ sách. Do vậy, người tiêu dùng ở Argentina thường phải mang theo những tờ tiền lớn ngay cả khi đi mua hàng ngoài chợ và thậm chí cầm theo cả ba lô tiền mặt khi thanh toán những mặt hàng giá trị hơn.
Quyết định của BCRA về việc phát hành tiền giấy có mệnh giá cao hơn phản ánh những nỗ lực của chính phủ Argentina trong việc giải quyết các thách thức kinh tế do lạm phát gây ra và đảm bảo tính hiệu quả cũng như khả năng tiếp cận của hệ thống tiền tệ.
Lạm phát hàng năm trên gần mốc 300% đã nhanh chóng làm xói mòn sức mua của đồng peso Argentina. Những nhu yếu phẩm cơ bản ngày càng trở nên đắt đỏ, gây khó khăn về kinh tế và đẩy gần một nửa dân số vào tình trạng nghèo đói.
Tờ 10.000 peso mới được in tại Trung Quốc bởi Tập đoàn đúc tiền và in tiền Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Chính phủ Argentina đã dựa vào các đối tác ở Trung Quốc, Brazil và Tây Ban Nha do nhu cầu tiền mặt quá cao đã áp đảo cơ sở đúc tiền quốc gia. Ví dụ, số lượng tờ 1.000 peso đang lưu hành đã tăng gấp đôi trong năm qua lên hơn 6 tỷ, trích dẫn dữ liệu do tờ báo La Nación của Argentina tổng hợp.
Theo tuyên bố của BCRA, việc giới thiệu tờ tiền 10.000 peso nhằm mục đích hợp lý hóa các giao dịch, nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính và giảm chi phí tổng thể liên quan đến hậu cần tiền tệ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina lên tới 287,9%, đòi hỏi phải áp dụng tiền giấy có mệnh giá cao hơn.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một giải pháp tạm thời. Ngân hàng trung ương nước này cũng đã công bố kế hoạch phát hành tờ tiền mệnh giá 20.000 peso vào cuối năm nay, cho thấy vòng xoáy lạm phát chưa thể sớm kết thúc.
Đồng peso của Argentina đã giảm 95% giá trị trong 5 năm qua khi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.
LẠM PHÁT DAI DẲNG
Argentina vốn có lịch sử lạm phát cao, với trường hợp từng gây chấn động vào những năm 1980 khi nước này phải ban hành những tờ tiền mệnh giá 1 triệu peso. Tuy nhiên, tình hình hiện tại có vẻ đặc biệt nghiêm trọng.
Chỉ mới một tháng trước đây, ngay cả tờ tiền lớn nhất khi đó là 2.000 peso, được phát hành vào năm 2022, cũng hầu như chẳng thể đủ cho một bữa ăn tại nhà hàng.
Tổng thống Javier Milei, một nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do mới nhậm chức vào tháng 12/2023, đang nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế mà ông “kế thừa” từ nhiều năm thất bại của các chính phủ trước.
Dữ liệu cho thấy mức tăng giá tiêu dùng ở Argentina đã chậm lại trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 3/2024 xuống còn 11%, nhưng lạm phát hàng năm vẫn ở mức cao trên 287%.
Ông Milei khẳng định rằng chìa khóa để kiềm chế lạm phát và ổn định đồng peso là chấm dứt sự phụ thuộc vào việc in tiền để tài trợ cho chi tiêu như các chính phủ trước đây vẫn làm. Ông đã phát động một chính sách “thắt lưng buộc bụng” sâu rộng, ngăn chặn nhu cầu in tiền để bù đắp cho thâm hụt tài chính cơ bản. Nhưng ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục phải dựa vào việc in tiền để trả lãi cho một lượng lớn nợ ngắn hạn phát hành cho các chủ nợ trong nước.
Chính quyền của Tổng thống Milei cũng đã thực hiện một số bước để cắt giảm chi tiêu công, giành được sự chấp thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đảm bảo thặng dư ngân sách (chiến lược quản lý tài chính nhằm đảm bảo rằng thu nhập của một chính phủ vượt quá chi tiêu trong một năm tài chính) lần đầu tiên sau 12 năm. Ông cũng đã dừng trợ cấp của nhà nước cho nhiên liệu và vận tải, cắt giảm hàng chục nghìn việc làm trong dịch vụ công và bãi bỏ hàng trăm quy định.
Tỷ lệ lạm phát hàng tháng của Argentina đạt đỉnh điểm 26% vào tháng 12/2023 và kể từ đó đã giảm nhẹ xuống còn 11% tính đến tháng 3/2024. Tổng thống Milei cho biết lạm phát tháng 4, sẽ được công bố vào tuần tới, có thể ở mức một chữ số.
Nhưng các chuyên gia cho rằng CPI chậm lại không phải là tin tốt cho người Argentina vì nó có liên quan đến việc tiêu dùng giảm mạnh. “Tỷ lệ lạm phát đang đi xuống nhưng kèm theo đó cũng là sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh tế và sự gia tăng giá cả tính bằng USD”, Cựu Bộ trưởng Kinh tế Domingo Cavallo nhận xét. Theo ông Cavallo, một số nỗ lực của chính quyền Milei đang ảnh hưởng nặng nề đến người dân, với giá vé xe buýt gần như tăng gấp ba và viện trợ bị cắt giảm đối với hàng nghìn bếp ăn khi tỷ lệ nghèo lên tới gần 60% và thu nhập khả dụng bị thu hẹp.
Trong khi IMF - cơ quan có chương trình tín dụng trị giá 44 tỷ USD với Argentina - đã ca ngợi những nỗ lực của Tổng thống Milei trong việc cân bằng sổ sách nhưng cũng đồng thời cũng cảnh báo về những tác động đối với người nghèo.
Triển vọng kinh tế của Argentina cho năm 2024 vẽ ra một viễn cảnh đầy thách thức. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đáng kể ở mức -2,8%, cùng với siêu lạm phát vượt quá 249,8%. Khó khăn kinh tế này, bên cạnh khoản nợ đáng kể 32,45 tỷ SDR (Quyền rút vốn đặc biệt - đơn vị tiền tệ qui ước của một số nước thành viên của IMF) sẽ tiếp tục đè nặng lên quốc gia có dân số hơn 47 triệu người này.
Hạnh Chi