Nhiều ngân hàng hiện công bố mức lãi suất chính thức nhưng lại chào mời khách hàng bằng các con số cao hơn. Người gửi tiền khó xác định mức lợi nhuận thực tế.
Nhìn lại diễn biến lãi suất huy động tại các ngân hàng từ đầu năm đến nay, xu hướng tăng đã xuất hiện sau giai đoạn dài lãi suất ở mức thấp.
Vẫn có những đợt “sóng ngầm”
Từ đầu quý II/2024, nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động với biên độ từ 0,3 - 0,6%/năm, thậm chí có nơi điều chỉnh 2-3 lần trong một tháng. Đặc biệt, trong tháng 6, hơn 20 ngân hàng đã tăng lãi suất, với hơn một nửa trong số đó điều chỉnh hai lần trong cùng tháng.
Tuy nhiên, từ tháng 9, tốc độ tăng đã chậm lại khi chỉ còn 12 ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất, đến tháng 10 và tháng 11, biểu lãi suất tại các ngân hàng hầu như không biến động. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này phản ánh xu hướng tăng đã bắt đầu chững lại sau giai đoạn liên tục leo thang, nhưng thực tế vẫn có “sóng ngầm” tại các ngân hàng.
Đơn cử, tại SeABank, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến với số tiền từ 100 triệu đồng cho kỳ hạn 6, 12, hoặc 13 tháng sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất thêm 0,5%/năm. Theo biểu lãi suất trực tuyến của ngân hàng này, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất 3,95%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm. Sau khi áp dụng mức ưu đãi, lãi suất kỳ hạn 6 tháng sẽ đạt 4,45%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng lên tới 5,2%/năm.
Tuy nhiên, theo thông tin tại các phòng giao dịch của SeABank, lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể hưởng lên đến 5,95%/năm. Trong khi đó, nhân viên của ngân hàng khi liên hệ tư vấn cho khách hàng cho biết, mức lãi suất thực tế có thể đạt 5,25%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,15%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, cao hơn mức niêm yết tới 1,45%.
Không riêng SeABank, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng áp dụng mức lãi suất hấp dẫn cho tiền gửi trực tuyến. Trong email gửi khách hàng gần đây, ACB giới thiệu mức lãi suất 4,2%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, cao hơn biểu lãi suất niêm yết trực tuyến là 3,5%/năm. ACB còn áp dụng mức cộng thêm 0,8% cho các kỳ hạn dài hơn so với tiền gửi tại quầy, giúp ngân hàng này thu hút thêm dòng vốn trong nhóm các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp nhất hiện nay.
Trong khi đó, Ngân hàng MSB lại có cách tiếp cận khác khi niêm yết lãi suất huy động trực tuyến cao nhất ở mức 5,6%/năm cho kỳ hạn 12-36 tháng. Bên cạnh đó, MSB đưa ra “lãi suất đặc biệt” dành cho khách hàng VIP lên đến 7%/năm với điều kiện gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 12-13 tháng. Với khách hàng thông thường, MSB cũng có mức lãi suất đặc biệt 5,3%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 5,9%/năm cho các kỳ hạn 12, 15 và 24 tháng.
Việc có những mức lãi suất “ngầm” này diễn ra trong bối cảnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban thành Thông tư 48/2024/TT-NHNN để chấn chỉnh lại việc niêm yết và thực hiện lãi suất tiền gửi, có hiệu lực từ ngày 20/11. Đáng chú ý, các quy định mới này được coi là một biện pháp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời tạo ra sự minh bạch giúp ổn định lãi suất trong hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng phải công khai lãi suất tại các điểm giao dịch và trên website, đồng thời không được khuyến mãi bằng lãi suất vượt quá quy định. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ lãi suất tối đa cho các kỳ hạn ngắn hạn, như hiện nay mức tối đa là 0,5%/năm cho tiền gửi dưới 1 tháng và 4,75%/năm cho tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng.
“Bất lợi tiềm tàng” cho người gửi tiền
Đánh giá về tình hình lãi suất trong giai đoạn tới, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất huy động khó có khả năng giảm trong thời gian tới và sẽ duy trì ở mức cao so với đầu năm. Nguyên nhân do nhu cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, buộc các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất hấp dẫn để thu hút tiền gửi.
Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hạn chế khả năng giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm phần trăm, đạt mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, xu hướng tăng lãi suất cuối năm có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất có khả năng ổn định hoặc giảm nhẹ, nhất là khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các thiên tai gần đây.
Ngược lại, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động để bảo đảm nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng phụ thuộc nhiều vào tiền gửi khách hàng và có cấu trúc vốn kém linh hoạt sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc giữ ổn định lãi suất.
Điều này đồng nghĩa với việc chính sách lãi suất “ngầm” có thể sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Ông Nguyễn Minh Phúc, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, tình trạng lãi suất thực tế cao hơn lãi suất niêm yết là xu hướng "bất lợi tiềm tàng" đối với người gửi tiền. Bởi lẽ, họ sẽ gặp khó khăn khi so sánh và lựa chọn ngân hàng phù hợp. Bên cạnh đó, có thể tạo tâm lý “chờ đợi ưu đãi”, đi ngược với mục tiêu minh bạch thị trường lãi suất của cơ quan điều hành.
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Huy, chuyên gia kinh tế và cố vấn tài chính độc lập cho rằng, "Việc niêm yết lãi suất thấp hơn so với lãi suất thực tế có thể dẫn đến hiểu lầm, khiến khách hàng khó đánh giá chính xác mức sinh lời khi quyết định gửi tiền”.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý IV/2024 của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo (NHNN) thực hiện, các tổ chức tín dụng dự đoán rằng trong năm 2024, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,1%/năm, trong khi lãi suất cho vay sẽ giảm 0,9%/năm so với mức cuối năm 2023. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng tổng huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng trung bình 3,2% trong quý IV và đạt mức tăng 7,9% trong cả năm 2024.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để cải thiện mức lãi suất, cần thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa như phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp. Khi lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, điều này có thể kéo theo việc giảm chi phí huy động vốn cho ngân hàng, từ đó tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp miền bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9 vừa qua.
Một số ngân hàng như PVCombank, GPBank, PGBank... dù chưa chính thức công bố điều chỉnh lãi suất, nhưng đã đặt biển quảng bá lãi suất cao tại các điểm giao dịch. Mức lãi suất này không được nêu trong biểu lãi suất chính thức, cho thấy các ngân hàng này đang có động thái linh hoạt để thu hút khách hàng.
TÙY ANH