Phố Wall biến động trái chiều, giá dầu chạm mức thấp nhất trong gần 3 năm

Đà tăng của S&P 500 và Nasdaq đã phần nào bị kìm hãm bởi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế, trong khi đó, cổ phiếu ngành ngân hàng và năng lượng đã kéo tụt chỉ số Dow Jones….

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Dow Jones giảm 92,63 điểm (-0,23%) xuống 40.736,96 điểm; S&P 500 tăng 24,47 điểm (+0,45%) lên 5.495,52 và Nasdaq Composite thêm 141,28 điểm (+0,84%) đạt 17.025,88 điểm.

Năng lượng là lĩnh vực có đà giảm mạnh nhất trong 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500 do giá dầu thô lao dốc khi OPEC+ hạ dự báo nhu cầu năm 2024 và 2025.

Tài chính là ngành có thành tích yếu kém thứ hai sau khi cổ phiếu JPMorgan Chase trượt 5,2% và Goldman Sachs mất 4,3%. Diễn biến này là phản ứng của thị trường đối với thông tin từ CEO Goldman Sachs David Solomon cho biết doanh thu từ các giao dịch ngân hàng có thể giảm 10% trong quý.

Vào thứ Ba, JPMorgan Chase cũng hạ thấp kỳ vọng về thu nhập từ các khoản thanh toán lãi. Thêm vào đó là bình luận của giám đốc tài chính Ally Financial về việc thách thức tín dụng đã trở nên nghiêm trọng hơn, khiến cổ phiếu công ty lao dốc 17,6%."Sự chú ý đang đổ dồn vào việc các ngân hàng hạ thấp kỳ vọng lợi nhuận cho quý hiện tại”, bà Lindsey Bell, chiến lược gia trưởng tại 248 Ventures, nhận xét.

Ở các diễn biến riêng lẻ, Hewlett Packard Enterprise (-8,5%) là cổ phiếu giảm mạnh nhất của S&P 500 vào thứ Ba, sau khi công ty công bố đợt phát hành cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi bắt buộc trị giá 1,35 tỷ USD để tài trợ cho việc mua lại Juniper Networks.

Trong khi đó, cổ phiếu Oracle tăng vọt 11,4% và trở thành cổ phiếu có mức tăng lớn nhất của S&P 500 nhờ kết quả hàng quý vượt dự báo.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,75 tỷ cổ phiếu, tương đương với mức trung bình của 20 phiên gần đây.

Các nhà đầu tư đang lo lắng về tác động kinh tế từ việc nhu cầu năng lượng suy yếu cùng với sự bất định xung quanh quyết định lãi suất của Fed. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 cũng đang đến gần.

Chiến lược gia Lindsey Bell đánh giá rằng tháng 9 và tháng 10 có thể là khoảng thời gian kém thuận lợi đối với thị trường chứng khoán.

"Hôm nay, thị trường đang tập trung vào ba điều: lo ngại về tăng trưởng kinh tế, khối lượng giao dịch thấp và cuộc tranh luận tổng thống Mỹ”, ông John Augustine, giám đốc đầu tư tại Ngân hàng Quốc gia Huntington cho biết.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 vào thứ Tư và báo cáo giá sản xuất vào thứ Năm.

GIÁ DẦU TRƯỢT DỐC

Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu Brent đã chốt phiên giảm 2,65 USD, tương đương 3,69% xuống 69,19 USD/thùng sau khi OPEC+ điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu cho năm nay và năm 2025. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng giảm 2,96 USD, tương đương 4,31%, xuống 65,75 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng đồng loạt giảm gần 3 USD trong phiên sau khi tăng khoảng 1% vào thứ Hai. Giá dầu thô WTI đã giảm hơn 5% vào thứ Ba và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.

Vào thứ Ba, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết trong báo cáo hàng tháng rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,03 triệu thùng/ngày vào năm 2024, thấp hơn hẳn so với dự báo tháng trước là 2,11 triệu thùng/ngày. OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 từ 1,78 triệu thùng xuống còn 1,74 triệu thùng/ngày.

Giá dầu ngay lập tức giảm mạnh do triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu và dự đoán về khả năng dư cung.

Tại một báo cáo riêng biệt, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng kỷ lục trong năm nay, trong khi tăng trưởng sản lượng sẽ nhỏ hơn so với dự báo trước đó. Theo EIA, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt trung bình khoảng 103,1 triệu thùng/ngày, cao hơn 200.000 so với dự báo trước đó là 102,9 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn duy trì mức thấp kể cả khi báo cáo của EIA được công bố, phần lớn là vì lo ngại về nhu cầu yếu kém ở Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên giá.