Ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng thêm 10 đồng so với ngày 23/10 lên 24.260 đồng/USD.
Như vậy, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng 9 ngày làm việc liên tiếp với mức tăng 99 đồng. Nếu xét từ đầu tháng 10, tỷ giá trung tâm đã tăng từ 24.081 đồng/USD lên 24.260 đồng/USD, tăng 179 đồng.
Tại các ngân hàng lớn, Vietcombank, BIDV, VietinBank đều niêm yết tỷ giá ngày 24/10 chiều bán ra ở mức 25.473 đồng/USD, tăng 2,8% so với thời điểm đầu tháng và tiến khá sát mức đỉnh 25.500 đồng thiết lập tháng 4.
Tỷ giá tăng trở lại trong bối cảnh đồng USD đang mạnh lên. Kể từ cuối tháng 9, DXY - chỉ số đo lường sức mạnh USD đã tăng đáng kể từ mức 100 lên 104,39, mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua.
NHNN bắt đầu can thiệp vào tỷ giá với động thái quay trở lại phát hành tín phiếu. Sau gần 2 tháng tạm gián đoạn, nhà điều hành đã quay trở lại với kênh phát hành tín phiếu từ ngày 18/10.
Chỉ trong vòng 4 phiên 18, 21, 22 và 23/10, NHNN đã phát hành lượng tín phiếu lên đến 59.200 tỷ đồng. Tổng lượng tiền đồng bị hút ròng trên thị trường mở và tín phiếu là 54.185 tỷ đồng.
Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm mạnh lãi suất 0,5% vào tháng 9, sức mạnh đồng đô la bật tăng mạnh mẽ. Giới phân tích đánh giá, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã thúc đẩy giới đầu tư không chỉ nhảy vào vàng mà còn chọn USD như một tài sản trú ẩn an toàn.
Những dữ liệu kinh tế vững chắc gần đây của Mỹ cũng tạo niềm tin rằng Fed không cần phải cắt giảm lãi suất một các ồ ạt và nhanh chóng như một số dự báo trước đây.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương thế giới khác đã cắt giảm lãi suất nhanh hơn Fed rất nhiều.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã có tới 3 lần cắt giảm lãi suất với mức giảm 0,75%. Lãi suất cơ bản của ECB hiện chỉ còn 3,25%, thấp nhất kể từ tháng 5/2023 và cũng đang thấp hơn nhiều so với lãi suất cơ bản USD của Fed.
Điều này cũng giải thích cho việc vì sao giới đầu tư lại lựa chọn tăng nắm giữ đồng USD, khi độ rộng chênh lệch lãi suất USD và các đồng tiền khác vẫn không thay đổi.
Theo dự báo của Goldman Sachs mới đây, trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, nếu ứng viên Donald Trump giành chiến thắng, đồng USD còn có thể tăng mạnh hơn nữa khi ông Trump chủ trương áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu, riêng hàng Trung Quốc là 20%, và giảm thuế trong nước.
Ngân hàng UOB nhì nhận, nếu ông Trump tái đắc cử, Fed có thể phải điều chỉnh chính sách lãi suất, làm cho đồng đô la Mỹ giữ giá mạnh hơn, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu.
Việc tăng lạm phát tại Mỹ có thể lan rộng, buộc các ngân hàng trung ương châu Á, trong đó có Việt Nam phải điều chỉnh chính sách tiền tệ để bảo vệ tỷ giá và đối phó với sự biến động của dòng vốn đầu tư.
Chỉ tác động ngắn hạn
Dù tăng dốc, đến thời điểm hiện tại, đa phần các công ty phân tích vẫn tin rằng tỷ giá VND/USD chỉ tăng mạnh trong ngắn hạn. Dự báo tỷ giá USD/VND cả năm nay dao động 2,5 - 3%.
Những yếu tố hỗ trợ tỷ giá hạ nhiệt cuối năm đó là Fed dự kiến còn 2 lần hạ lãi suất trong tháng 11, tháng 12 và nguồn ngoại tệ cuối năm dồi dào đến từ kiều hối, FDI và xuất siêu.
Báo cáo của Maybank Investment Bank nhìn nhận, với việc Fed đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, áp lực tỷ giá lần này sẽ không kéo dài. Tổ chức này tin vào kịch bản VND sớm ổn định so với USD trong thời gian tới và NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng UOB cũng cho rằng, thời gian tới, áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD sẽ giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND.
“Đà tăng thêm của tỷ giá khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự quý III. Tỷ giá sẽ dao động quanh mức 24.500 đồng trong quý IV”, UOB nhìn nhận.
Trần Anh