Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam cần khoảng 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2050 để hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đưa ra con số “khủng” hơn, khoảng 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2040 cũng vì mục tiêu nói trên.
Có thể thấy, quá trình khử carbon, xanh hóa nền kinh tế đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ mà ngân sách nhà nước khó có thể đáp ứng được. Chính vì vậy, cơ chế tài chính sẽ là yếu tố quan trọng để kích hoạt và phát huy nguồn lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
“Tài chính xanh là yếu tố bản lề, then chốt và là tương lai của Việt Nam”, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, nói tại Diền đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024.
Ông Chang định nghĩa, tài chính xanh là cách tiếp cận nhằm đưa yếu tố môi trường, bền vững vào việc ra quyết định về cung cấp tài chính, nguồn vốn. Đây là giải pháp giúp thúc đẩy các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh phải tích hợp trách nhiệm phát triển bền vững để nhận được hỗ trợ về nguồn lực.
Với định hướng trở thành ngân hàng xanh, theo ông Chang, UOB Việt Nam đưa ra một tiêu chí xem xét hồ sơ cho vay là doanh nghiệp, nhà đầu tư phải có biện pháp giảm ít nhất 14 – 16% lượng phát thải carbon.
Bên cạnh đó, UOB cũng có một số sản phẩm tín dụng đặc biệt nhằm đồng hành với các mục tiêu của Việt Nam, chẳng hạn như gói tín dụng thực hiện quy hoạch điện lực và phát triển thị trường carbon.
HSBC cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc triển khai các gói tín dụng xanh tại Việt Nam. Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam, cho biết, ngân hàng này đang cung cấp nhiều sản phẩm vay xanh cho khách hàng.
Cách tiếp cận của HSBC Việt Nam là đồng hành từ sớm với khách hàng để xây dựng chính sách phát triển bền vững, từ đó giúp khách hàng đáp ứng đủ điều kiện giải ngân các khoản vay xanh trong và ngoài nước.
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính xanh, bởi tín dụng vẫn là kênh huy động vốn lớn của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh tín dụng xanh, cũng được xác định là kênh tài chính quan trọng khuyến khích các dự án giảm nhẹ phát thải carbon, hướng đến cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ưu điểm của thị trường tín chỉ carbon là hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ chế thị trường, do đó tạo ra được sân chơi công bằng, cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở tối ưu hóa sử dụng nguồn lực.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện kiểm kê cũng như kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ được cấp hạn ngạch, là cơ sở để trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường.
Thực tế, Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về số lượng dự án tạo tín chỉ carbon theo cơ chế phát triển sạch (CDM) của Liên hợp quốc. Nhiều dự án thương mại hóa tín chỉ carbon đã được triển khai tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư thu về lợi nhuận lớn.
Mặt khác, tại Việt Nam, nhiều lĩnh vực được xác định là nguồn tín chỉ carbon lớn như tín chỉ carbon từ rừng hay từ sản xuất nông nghiệp. Như vậy, có thể nói, tiềm năng của Việt Nam trong xây dựng và phát triển thị trường carbon là rất lớn.
Ông Cường cho biết, theo nội dung điều 6 Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia, đối tác quốc tế đã bày tỏ mong muốn ký kết về việc trao đổi tín chỉ carbon với Việt Nam.
Theo kế hoạch, năm 2025 là thời điểm thị trường tín chỉ carbon được triển khai thí điểm, tiến đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2027.
Phạm Sơn