Chính sách hạ lãi suất rất mạnh trong thời gian vừa qua đã tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng, là một trong áp lực làm đồng USD nóng lên.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng 3/4 bật tăng mạnh ở chiều bán, kéo giãn chênh lệch giá 2 chiều mua bán. Các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh giá bán đồng USD, vượt ngưỡng 25.000 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm tại Ngân hành Nhà nước nhích tăng lên mức 24.020 đồng.
Tại Cục quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, chiều qua tỷ giá USD tham khảo được niêm yết ở mức 23.400 – 25.171 đồng/USD (mua – bán), đi ngang chiều mua và tăng chiều bán ra so với phiên trước đó.
Diễn biến tỷ giá USD xảy ra sau khi NHNN dừng hút tín phiếu do lượng tiền trong hệ thống còn rất ít. Số dư Citad (số dư tiền gửi của các ngân hàng ở NHNN) vào ngày 1/4, theo ước tính chỉ còn khoảng hơn 240.000 tỷ đồng.
Trái lại, NHNN lại bất ngờ bơm ra thị trường gần 6.000 tỷ đồng thông qua mua vào tín phiếu kỳ hạn ngắn (7 ngày) với lãi suất 4%/năm. Động thái này khá bất ngờ khi từ ngày 11/3 – 1/4, NHNN có 16 phiên liên tiếp hút tiền thông qua đấu thầu tín phiếu, với quy mô hơn 170.000 tỷ đồng.
Về lý do chính của tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết:
Thứ nhất là Fed chưa đưa ra được thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc hạ lãi suất. Chính vì thế giá trị đồng USD trong những ngày vừa qua tăng rất cao; đồng USD tăng giá sẽ tác động đến giảm giá của các nước khác trên thế giới và trong khu vực. Chính vì thế có tác động đến đồng tiền của Việt Nam trong quan hệ tỷ giá với đồng USD.
Thứ hai là chính sách hạ lãi suất của Việt Nam có thể nói là rất mạnh trong thời gian vừa qua. Vì thế đã và đang tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng, tiếp tục duy trì âm nghĩa là lãi suất Việt Nam thấp hơn so với lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng. Chính điều đó cũng là một trong áp lực làm đồng USD nóng lên.
Thứ ba, trong 3 tháng đầu năm cũng có tín hiệu tích cực đó là nhập khẩu tương đối tích cực, vì thế nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Ngoài ra cũng có một số chính sách khác có thể tác động lên chính sách tỷ giá.
Tuy nhiên theo ông Tú, tỷ giá vẫn đảm bảo duy trì được sự ổn định và vẫn đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo được các cân đối chung ngoại tệ cũng như đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp và các nhu cầu xuất nhập khẩu. Đây là một trong những sự ổn định lớn mà chúng ta vẫn đang duy trì được.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu ổn định, luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.
Dũng Phạm