'Đỏ mắt' chờ sửa đổi Nghị định 24, vàng miếng SJC sắp hết thời 'hoàng kim'?

Hơn một thập niên trôi qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong khi có những quy định không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay…

'Đỏ mắt' chờ sửa đổi Nghị định 24, vàng miếng SJC sắp hết thời 'hoàng kim'?

Giá vàng trong nước sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã trải qua những phiên đầy biến động. Đặc biệt, ngày vía Thần Tài bất ngờ chứng kiến sự rớt giá mạnh của vàng miếng SJC. Phiên giao dịch sáng ngày 19/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), giá vàng SJC khi được mua vào ở mức 75 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng/lượng; bán ra ở mức 77,7 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với ngày 18/2.

Trong khi đó, tình trạng chênh lệch lớn giữa giá vàng SJC và thế giới vẫn tiếp diễn khiến vô số nhà đầu tư “than thở” vì vàng. Những diễn biến này khiến dư luận lại đặc biệt chú ý tới định hướng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và khả năng xóa bỏ độc quyền vàng miếng.

VÀNG TRONG NƯỚC “MỘT MÌNH MỘT CHỢ”

Vàng vốn được xem là “hầm trú ẩn” an toàn, đặc biệt trong những thời kỳ thị trường tài chính có nhiều biến động mạnh. Đây còn là kênh đầu tư hiệu quả, an toàn và có lợi nhuận dài hạn.

Ở thời điểm hiện tại, dường như “hầm trú ẩn” này đang bị “lung lay” bởi tình trạng giá vàng không liên thông với thế giới, khiến sự chênh lệnh giữa giá vàng SJC và thế giới kéo giãn, có thời điểm biên độ lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.

Song, đây cũng không phải lần đầu tiên giá vàng trong nước có diễn biến “một mình một chợ” như vậy. Trên thực tế, những bất cập như giá tăng cao, không liên thông với giá thế giới không phải bây giờ mới được đề cập mà đã bắt đầu xuất hiện khoảng 2 năm sau khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế.

'Đỏ mắt' chờ sửa đổi Nghị định 24, vàng miếng SJC sắp hết thời 'hoàng kim'? 2
Diễn biến giá vàng trong nước, Đơn vị tính: triệu đồng/lượng
'Đỏ mắt' chờ sửa đổi Nghị định 24, vàng miếng SJC sắp hết thời 'hoàng kim'? 3
Diễn biến giá vàng thế giới, Đơn vị tính: USD/ounce

Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng SJC. Vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trở thành đơn vị gia công vàng miếng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Kể từ khi Nghị định 24 được ban hành, không có doanh nghiệp nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Ngân hàng Nhà nước cũng không nhập khẩu vàng để gia công vàng miếng SJC nhằm chống “vàng hóa” nền kinh tế.

Chính sách đóng cửa khiến nguồn cung vàng miếng ra thị trường gần như bị chặn đứng sẽ kéo theo mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới càng rộng hơn, tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng.

Việc không cấp phép nhập khẩu vàng khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Tại nhiều thời điểm, một số doanh nghiệp thậm chí phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức nên càng khiến giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao.

Thậm chí, có đơn vị "trơ tráo" mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, mua hàng nhập lậu để thiết kế trang sức. Như vậy, vừa rủi ro cho doanh nghiệp vừa tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển.

Trong giai đoạn 2013 - 2019, giá vàng miếng SJC chỉ dao động quanh mức 40 triệu đồng/lượng. Sang đến năm 2020, thời điểm bắt đầu dịch Covid-19, giá vàng tăng mạnh lên mốc 50 triệu đồng/lượng rồi vượt mốc 60 triệu đồng/lượng vào năm 2021.

Đến năm 2022 và 2023, giá lần lượt vượt mốc 70 triệu đồng/lượng và trên 80 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và thế giới cũng nới rộng theo thời gian, có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng như đã nêu.

ĐẾN LÚC “CỞI TRÓI” CHO THỊ TRƯỜNG VÀNG

Nhìn lại thời điểm hơn một thập niên trước, vàng được coi như một trong những phương tiện thanh toán được ưa chuộng, nhiều giao dịch giá trị lớn được quy thành vàng khiến các cơ quan quản lý lo ngại tình trạng "vàng hóa nền kinh tế".

Thêm vào đó, thị trường vàng diễn biến phức tạp, lộn xộn, nhiều sàn vàng tự phát mọc lên, người dân đổ xô đi mua vàng, tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tạo ra các cơn “sốt vàng” gây bất ổn trong xã hội…

Nghị định 24 ra đời kịp thời gần như đã chấn chỉnh được tình trạng bất ổn định trên thị trường vàng vào thời điểm đó. Ngân hàng Nhà nước trở thành cơ quan độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Thành công của Nghị định 24 tại thời điểm đó còn khiến cho lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: “2012 là năm đánh dấu sự thành công bước đầu của công tác quản lý thị trường vàng nói chung. Kết quả bước đầu sau khi Nghị định 24 được ban hành cho thấy với sự kết hợp của Nghị định 95 và các biện pháp Ngân hàng Nhà nước đã triển khai, thị trường vàng miếng trong nước có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước kia”.

Khi ấy, khoảng cách chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và thế giới chỉ dao động từ 4 – 5 triệu đồng/lượng. Ông Bình cho rằng: “Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”.

Quay trở lại thời điểm hiện tại, giá vàng và ngoài nước đã chênh lệch gần 18 triệu đồng/lượng (ở thời điểm ngày 22/2), trước đó có thời điểm vượt 20 triệu đồng/lượng. Điều này khiến giới đầu tư đặt ra nhiều trăn trở: “Liệu đây có phải là hiện tượng “sốt vàng” hay không? Nghị định 24 đã hết hạn sử dụng?...

Một vấn đề đáng lưu tâm nữa, việc độc quyền vàng miếng SJC cũng gây nên nhiều tranh cãi về việc bất bình đẳng trong kinh doanh. Hiển nhiên, là doanh nghiệp độc quyền vàng miếng trong nước, không quá bất ngờ khi doanh thu SJC lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC công bố, kết thúc năm 2022, doanh thu công ty đạt 27.154 tỷ đồng, tăng khoảng 9.465 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi nhu cầu mua vàng miếng tăng cao theo thời gian thì cả nước lại chỉ có 1 đơn vị gia công vàng miếng. Nguồn cung không đủ cho nhu cầu sẽ kéo theo việc khan hiếm mà vàng càng khan hiếm thì giá lại càng cao lên.

Chính vì điều đó, nhiều người đặt ra giả thiết, nếu trong thời gian tới, Nghị định 24 xóa bỏ quy định độc quyền vàng miếng SJC, nhiều doanh nghiệp vàng được phép gia công vàng miếng thì khả năng cao giá vàng SJC sẽ giảm xuống, kéo theo những vấn đề như nhập lậu vàng, chênh lệch giá... sẽ được giải quyết.

Cũng có những trường hợp đặt ra, nếu SJC vẫn giữ độc quyền vàng miếng nhưng được phép nhập khẩu vàng thì giá vàng có bớt chênh lệch so với thị trường thế giới hay có ảnh hưởng không?....

Song song với vô vàn câu hỏi, nhiều kiến nghị cũng được đưa ra xoay quanh chủ đề cần sớm sửa đổi Nghị định 24 để tăng tính liên thông với thị trường thế giới và phát triển giao dịch vàng trên tài khoản.

'Đỏ mắt' chờ sửa đổi Nghị định 24, vàng miếng SJC sắp hết thời 'hoàng kim'? 4
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Tại một tọa đàm được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa và có 2 loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất.

Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường. Trong Nghị định 24 chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh.

Còn trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Các ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng Trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.

Theo ông Hùng, vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong Nghị định 24 phát huy rất tốt trong thời điểm mà thị trường vàng lộn xộn. Nếu hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì việc độc quyền sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng.

'Đỏ mắt' chờ sửa đổi Nghị định 24, vàng miếng SJC sắp hết thời 'hoàng kim'? 5
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội

Một ý kiến tương tự, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, trong bối cảnh năm 2012, Nghị định 24 đã hạn chế kịp thời tình trạng “vàng hóa”, dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán.

Tuy nhiên, đến nay, tình hình đã thay đổi rất nhiều về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… Nghị định 24 quy định rất chặt chẽ rằng Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thực tế những năm qua, tâm lý của người dân với mong muốn tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro. SJC được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất.

“Tích lũy bao giờ cũng đảm bảo an toàn nhất nên người ta đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC. Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng”, ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, việc Việt Nam không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới dẫn đến tình trạng thế giới có thể tăng một chút thì trong nước tăng rất cao. Điều này là rất phi lý, khi có tình trạng không liên thông dẫn đến tăng mạnh như vậy, hậu quả xảy ra sẽ rất lớn.

Chênh lệch giá vàng lớn có thể khiến những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng sẽ bị thiệt hại, phải mua vàng với một cái giá rất cao. Khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch nhiều đến như thế sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu, buôn lậu vàng.

Từ đó, ông Cường cho rằng, trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24. Nhà nước có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa”, ông Cường bày tỏ.

Đưa ra quan điểm về giải pháp để bình ổn thị trường vàng, GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, việc sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường.

“Chính sách quản lý thị trường vàng cần tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới. Đồng thời, phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng”, vị chuyên gia nói.

Tin liên quan