Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng…
Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 năm 2024 ước đạt 5,14 tỷ USD, tăng 17,9% so với tháng 4/2023. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2023, nhóm hàng nông sản đạt 10,44 tỷ USD, tăng 32,5%; lâm sản 5,18 tỷ USD, tăng 22,8%; thủy sản 2,68 tỷ USD, tăng 4,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 152 triệu USD, tăng 3,6%…
Nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng khá như: gạo đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; cà phê 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%...
Ước tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ đạt 4,2 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước; châu Phi đạt 332 triệu USD, tăng 33,3%; châu Á đạt 8,87 tỷ USD, tăng 19,8%; châu Âu đạt 2,55 tỷ USD, tăng 38,6%; và châu Đại Dương đạt 268 triệu USD, tăng 26%.
Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường nhập khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,1%, tăng 25,7%; Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.
Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi...; phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Nhận định chung về tình hình phát triển trong tháng 4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp đã có tăng trưởng rất đáng khích lệ, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội.
Về tình trạng khô hạn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết cơ bản các vùng trên cả nước đều đã qua giai đoạn căng thẳng và có mưa, ngoại trừ khu vực Nam Trung bộ. Vụ đông xuân vừa qua không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vụ hè thu sắp tới, cả diện tích gieo trồng và sản lượng sẽ bị ảnh hưởng bởi khô hạn.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị 2 cục Kiểm lâm và Lâm nghiệp tổ chức các tổ công tác để kiểm tra, giải quyết các nội dung đang cần thiết, ví dụ như công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Với sản xuất trồng trọt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, đang là giai đoạn cao điểm sâu cuốn lá ở Đồng bằng sông Hồng, Cục Bảo vệ thực vật cần đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương có phương án phòng trừ, cần thiết phải phun thuốc lại ở những vùng nhiễm nặng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị liên quan như Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần có phương án truyền thông để giúp người dân hiểu rõ được những lợi ích khi áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải trong "Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL".
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc áp dụng quy trình canh tác này sẽ giúp người sản xuất giảm được chi phí đầu vào, tăng được lợi nhuận đáng kể so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, việc giảm phát thải, bán tín chỉ carbon chỉ là giá trị gia tăng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nghiên cứu xây dựng sổ tay về quy trình canh tác trong đề án này. Trong sổ tay sẽ giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất những câu hỏi của người nông dân như có dễ làm không, có tốn kém không, lợi nhuận có cao không…
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD năm 2024, các doanh nghiệp cần tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, phối hợp bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài…
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra. Trong đó, sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA mà Việt Nam đã ký kết và đi vào thực thi. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.
Đối với xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của Trung Quốc; tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.