Với nội dung Bộ Công thương đưa ra trong tờ trình kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, UBND tỉnh Bình Định cho rằng sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư ngoại vào các dự án điện gió ngoài khơi.
Theo UBND tỉnh Bình Định, đối chiếu nội dung tờ trình gần nhất của Bộ Công thương liên quan đến Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, quy mô công suất các loại hình nguồn điện phân bổ cho tỉnh đến năm 2030 rất thấp so với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Công suất dự kiến phân bổ sẽ gây khó khăn cho tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Để có cơ sở cho tỉnh thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công thương xem xét ưu tiên tăng quy mô công suất các dự án nguồn điện phân bổ cho tỉnh.
Theo tờ trình của Bộ Công thương, giai đoạn đến năm 2030, phần công suất điện gió trên bờ dành cho Bình Định là 250MW. Đồng thời, điện gió ngoài khơi chỉ được xác định theo vùng với 2.000MW dành cho khu vực Nam Trung Bộ, trong đó có Bình Định.
Đối với phát triển điện gió ngoài khơi, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều nhà đầu tư đăng ký triển khai dự án. Đặc biệt, Tập đoàn PNE có trụ sở tại Đức đang xúc tiến đầu tư dự án với tổng công suất 2.000MW, trị giá khoảng 4,6 tỷ USD.
Đây là dự án động lực được tỉnh quan tâm thu hút đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dự án đã thực hiện đo gió từ tháng 5/2022 và nằm trong danh mục các dự án tiềm năng của Quy hoạch điện VIII và đã cập nhật trong quy hoạch tỉnh.
Theo dự kiến, đến năm 2030, dự án PNE 1 sẽ phát triển 700MW với tổng mức đầu tư khoảng 37.600 tỷ đồng, đóng điện năm 2029. Sau năm 2030, PNE sẽ phát triển hai hợp phần còn lại với tổng công suất 1.300MW, tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Định, tờ trình hồi tháng 10/2023 của Bộ Công thương có nêu: Xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi có cơ sở pháp lý để có thẩm quyền giao chủ đầu tư.
Tỉnh cho rằng, với nội dung nêu trên sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi nên đề nghị xem xét điều chỉnh lại nội dung quy định này cho phù hợp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh trong văn bản.
Hiện tại, danh mục các dự án điện gió ngoài khơi đề xuất trên địa bàn tỉnh Bình Định cho thấy, bên cạnh trường hợp của PNE, ghi nhận tới khoảng 6.100MW công suất đăng ký phát triển giai đoạn sau năm 2030.
Điển hình, có ba dự án nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600MW khảo sát phát triển trên diện tích 60.000ha trên biển, tổng mức đầu tư khoảng 140.000 tỷ đồng thuộc địa bàn thành phố Quy Nhơn.
Ngoài ra, còn có một dự án 1.200MW được xác định chung chung vị trí là ven biển tỉnh Bình Định, với diệntích khảo sát khoảng 35.300ha trên biển, tổng vốn đầu tư 84.450 tỷ đồng. Dự án này đã cập nhật trong quy hoạch tỉnh và ở trạng thái đang đề xuất, danh tính nhà đầu tư chưa được công bố.
Nguyễn Cảnh