Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa.
Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hay đa phương, quy tắc xuất xứ hàng hóa được sử dụng để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các khu vực, với mục tiêu kép, vừa đảm bảo quyền lợi cho các quốc gia thành viên, vừa ngăn chặn hàng hóa của các quốc gia không nằm trong khu vực FTA mà vẫn được hưởng quyền lợi ưu đãi thuế quan.
Đối với hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EVFTA, quy tắc xuất xứ hàng hóa hết sức quan trọng. Bởi theo cam kết của EVFTA, hàng dệt may được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm. Trong khi EU đang là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam, và dư địa tại thị trường này còn rất lớn khi thị phần dệt may may của chúng ta ở EU mới chiếm dưới 2% (4 tỷ USD/250 tỷ USD)
Bài toán hiện nay đối với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may vào thị trường EU là quy tắc xuất xứ hàng hóa. Hiệp định EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi). Vấn đề đặt ra, làm thế nào để vải may mặc sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu từ EU đủ cho nhu cầu làm hàng xuất khẩu đi EU. Nhưng đây lại là câu chuyện khá nan giải.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất vải trong nước mới đạt sản lượng 2 tỷ mét/năm, đáp ứng 25-30% nhu cầu. Trong khi vải nhập khẩu từ EU rất ít, không đến 5%. Phần lớn vải nhập khẩu vào nước ta từ các thị trường ngoài Hiệp định EVFTA. Cụ thể, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu bông từ Australia 31,5%; từ Hongkong (Trung Quốc) 32,6%; từ Brazil 18,6%; nhập khẩu vải may mặc từ Trung Quốc 62,4%; từ Đài Loan (Trung Quốc) 12,3%, từ Hàn Quốc 12,1%.
Đến nay, Việt Nam đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa 2 nước. Việt Nam cũng đang triển khai đàm phán Nhật Bản để doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải Nhật được cộng gộp xuất xứ theo EVFTA. Nhưng ngay cả khi chúng ta đạt thỏa thuận xuất xứ cộng gộp với 2 nước nói trên, cũng mới chỉ tháo gỡ được một phần điểm nghẽn. Bởi lẽ, mặc dù EU cho phép sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản xuất khẩu sang EU, nhưng chỉ áp dụng với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế trong Hiệp định. Phần lớn các sản phẩm còn lại, phải sử dụng vải từ Việt Nam và EU mới được tính xuất xứ hàng hóa .
Lợi thế chuỗi Việt Nam và EU khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA từ tháng 10 năm 2010. Đến háng 12 năm 2015 hai bên kết thúc đàm phán, bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Như vậy, tín hiệu về tính khả thi về một hiệp định tự do thương mại đến từ rất sớm, trước 5 năm so với ngày EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8/2020). Vậy thì tại sao không thể ra tạo ra một làn sóng đầu tư vào sản xuất vải đón đầu EVFTA? Nếu năm 2015, năm Việt Nam-EU kết thúc đàm phán, chuyển sang rà soát pháp lý, sản lượng vải may mặc đạt hơn 1,5 tỷ m2, đến năm 2020 khi EVFTA có hiệu lực, sản lượng vải may mặc mới đạt xấp xỉ 2 tỷ m2 - không được coi là bước đột phá so với tốc độ tăng từ 1,1 tỷ m2 năm 2010 lên 1,5 tỷ m2 năm 2015.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến không có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất vải, nhưng gút mắc chính vẫn là khả năng kết nối chuỗi cung ứng. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, nếu không nằm trong một chuỗi cung ứng cụ thể, sản xuất theo một địa chỉ cụ thể, rất khó để doanh nghiệp sản xuất vải có thể trụ được. Một mô hình điển hình là Việt Tiến ký hợp tác đầu tư nhà máy vải với Uniqlo, Uniqlo đặt hàng và yêu cầu Việt Tiến làm vải. Tức là doanh nghiệp đầu tư khi đã có sự phân chia (nhiệm vụ) trong chuỗi, còn nếu dàn hàng ngang tự đầu tư làm vải sẽ rất khó, vì chi phí đầu tư ở Việt Nam qua lớn.
Cho đến nay, hầu hết các dự án sản xuất vải thành công đều có sự liên kết theo chuỗi. Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) đã ký kết thỏa thuận xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược và đặc quyền về dự án vải tái chế. Ngay sau buổi ký kết, đơn hàng đầu tiên, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho làm hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường EU đã được đưa vào sản xuất. Mới đây, Vinatex và Textile Company, một đơn vị thuộc Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã bàn thảo hợp tác đầu tư vào các dự án sản xuất các sản phẩm dệt may “xanh”, đủ tiêu chuẩn làm hàng xuất khẩu đi châu Âu.
Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa; Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị…
Những nỗ lực của doanh nghiệp, cùng sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hợp lực tạo ra bước đi mạnh mẽ, hóa giải bài toán quy tắc xuất xứ trong các FTA.
Văn Thành Nho