Các nhà bán lẻ tạp hoá như WinCommerce, Bách Hoá Xanh,... đang cơ cấu lại mô hình vận hành cửa hàng để nắm bắt xu hướng mua hàng qua các kênh bán lẻ trực tuyến và hiện đại của người tiêu dùng Việt Nam, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu vào nửa cuối năm 2024.
Trong báo cáo về ngành bán lẻ bách hoá mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, doanh thu của ngành bán lẻ năm 2024 sẽ ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2023, dựa trên sự phục hồi kinh tế. VDSC dự báo cả niềm tin của người tiêu dùng và sức mua sẽ phục hồi vào năm 2024, đến từ (i) tác động của cả chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng được thực hiện trong giai đoạn 2023-2024 và (ii) lực đẩy từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
VDSC cũng cho rằng, hiệu quả của các chính sách vĩ mô sẽ rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2024, khuyến khích người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn so với nửa đầu năm 2024. Nửa đầu năm 2024 có thể sẽ tăng trưởng doanh thu dương ở mức khiêm tốn, sau đó tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024.
Nhận thấy thói quen mua sắm tạp hoá của người tiêu dùng Việt Nam đã được định hình lại trong giai đoạn 2019-2021 do đại dịch Covid-19, người tiêu dùng dần thích nghi với việc mua hàng qua các kênh bán lẻ trực tuyến và hiện đại. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ tạp hoá hiện đại đang cơ cấu lại mô hình vận hành cửa hàng để nắm bắt xu hướng này trong giai đoạn 2021-2023. VDSC tin tưởng rằng, các nhà bán lẻ tạp hoá đã tìm ra mô hình hoạt động hiệu quả cho chuỗi bán lẻ của mình trong năm 2023, kế tiếp sẽ bước vào giai đoạn mở rộng và có lãi kể từ năm 2024.
Điển hình, WinCommerce, Bách Hoá Xanh, Saigon Co.op, Kingfood mart, Emart dự kiến mở cửa hàng mới trong năm 2024. Dựa trên số lượng cửa hàng mới trong kế hoạch, VDSC cho rằng, các nhà bán lẻ này sẽ mở rộng phạm vi phủ sóng một cách thận trọng để đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng doanh số bán hàng và lợi nhuận ở mức độ ổn định.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Masan, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc của WinCommerce cho biết, chuỗi đã hoàn tất tái cơ cấu và trở lại chiến lược mở rộng điểm bán. Đến cuối tháng 3, WinCommerce có 3.667 siêu thị và cửa hàng, phủ sóng toàn quốc. Cuối năm nay, chuỗi này đặt mục tiêu có hơn 4.000 cửa hàng, đồng nghĩa mỗi ngày một điểm bán mới sẽ xuất hiện.
Chuỗi Bách hoá Xanh thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động cũng đã mở mới 2 cửa hàng trong tháng 5 vừa qua, nâng số lượng lên 1.698 cửa hàng; đánh dấu lần đầu tiên chuỗi này mở rộng trở lại sau thời gian dài tái cơ cấu và thu hẹp các cửa hàng kém hiệu quả.
Tại Đại hội đổng cổ đông thường niên năm 2024 của Thế giới Di động, ông Phạm Văn Trọng - CEO Bách hoá Xanh cho biết, mục tiêu chính của chuỗi trong năm nay là tăng trưởng doanh thu và “đem tiền về cho mẹ”.
Chuỗi sẽ mở mới khoảng 100 cửa hàng trong năm nay, chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng vào năm sau. Vào cuối năm nay, công ty cũng sẽ nghiên cứu về việc mở rộng ra miền Trung và miền Bắc. Ông Trọng tự tin rằng con số lợi nhuận nghìn tỷ đồng, sau 1-2 năm nữa Bách hóa Xanh có thể đạt được.
Ngoài ra, dựa trên xu hướng đô thị hoá ngày càng tăng theo kịp các hoạt động kinh tế đang phát triển, VDSC dự báo, lượng khách của các cửa hàng bán lẻ tạp hoá hiện đại sẽ cao hơn trong 12 tháng tới, dẫn đến doanh thu trung bình tháng trên mỗi cửa hàng sẽ tăng so với cùng kỳ năm 2024.
Mặt khác, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội. Nghị định mà Chính phủ mới ban hành, quy định giảm 2% thuế VAT với một số nhóm mặt hàng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7 đến hết ngày 31/12/2024.
Theo Nghị định của Chính phủ, việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin...
Chính sách miễn giảm thuế VAT 2% giúp không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, bởi việc giảm thuế sẽ giúp tăng sức mua trong dân, từ đó doanh nghiệp tăng lượng hàng bán ra, quay trở lại đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Theo VDSC, biên lợi nhuận của các nhà bán lẻ tạp hóa sẽ cải thiện nhờ chiến lược tối ưu hóa chi phí, bình thường hóa chi phí, và cải thiện doanh thu trên mỗi cửa hàng. Cụ thể:
Chiến lược tối ưu hoá chi phí, sau khi tìm được mô hình hoạt động phù hợp, hầu hết các nhà bán lẻ tạp hóa Việt Nam đều tập trung vào việc tối ưu hóa chi phí bên cạnh việc mở rộng quy mô bán hàng. Ba giải pháp tối ưu hóa chi phí chính sẽ được tập trung vào năm 2024 là (1) tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho để hạn chế tỷ lệ hủy hàng, (2) đàm phán lại các điều khoản tốt hơn với nhà cung cấp và (3) tối ưu hóa chi phí kho vận.
Bình thường hoá chi phí, năm 2023, một số nhà bán lẻ như Bách Hoá Xanh đã hạch toán chi phí một lần liên quan đến việc tái cơ cấu chuỗi cửa hàng. Do các nhà bán lẻ này đã hoàn thành giai đoạn cơ cấu cửa hàng nên chúng tôi tin rằng các chuỗi này sẽ không ghi nhận các khoản chi phí bất thường trong năm 2024.
Cải thiện doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng, năm 2024, số lượng cửa hàng hoạt động trên 1 năm (cửa hàng cũ) cao hơn đáng kể so với số lượng cửa hàng mới. Do đó, VDSC kỳ vọng doanh số bán hàng trên mỗi cửa hàng cao hơn của các cửa hàng cũ sẽ bù đắp cho doanh số bán hàng trên mỗi cửa hàng thấp hơn của các cửa hàng mới, kết quả là doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng sẽ tăng so với cùng kỳ năm ngoái.