Ngành bia rượu chật vật tìm lối thoát

Doanh số bán hàng xuống mức thấp nhất nhiều năm, hàng loạt thương hiệu bia rượu phải chuyển hướng kinh doanh đồ uống không cồn...

Theo nhiều báo cáo, quan điểm hạn chế bia rượu (NoLo- No and Low Alcohol) trong giới trẻ ngày càng gia tăng đã khiến nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh. Dự báo danh mục sản phẩm đồ uống không có cồn sẽ tăng 25% trong khoảng 2022-2026 khi các hãng rượu bia buộc phải chuyển hướng kinh doanh.

DOANH THU SỤT GIẢM CHƯA TỪNG THẤY

Tại Mỹ, lượng tiêu thụ bia đã giảm xuống dưới 200 triệu thùng lần đầu tiên kể từ năm 1999. Thậm chí vào năm 2022, lần đầu tiên thị phần bia giảm xuống đứng thứ 2 sau rượu, điều chưa từng xảy ra trước đây ở Mỹ.

Tương tự, tại Đức, mấy năm trước mức tiêu thụ bình quân đầu người là 50 lít bia/người, giờ đã giảm hẳn vì người dân bắt đầu ý thức được tác hại của việc uống nhiều rượu, bia tới sức khỏe và vóc dáng.

Tại Việt Nam, năm 2023 ghi nhận sự “tụt dốc” doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn. Điều này khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh rượu, bia rơi vào cảnh lao đao, phải chật vật tìm cách tồn tại.

Ngành bia rượu chật vật tìm lối thoát
Thời kỳ buồn của ngành bia rượu thế giới

Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà (Công ty Việt Hà) là một doanh nghiệp đầu tư đa ngành với nhiều thương hiệu, trong đó nổi trội nhất là bia Việt Hà. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, kinh doanh mấy năm gần đây của doanh nghiệp không mấy suôn sẻ, trong bối cảnh ngành đồ uống có cồn đối mặt loạt thách thức.

Năm 2023, Việt Hà đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập đạt 337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 25,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả không đạt như kỳ vọng. Cụ thể theo báo cáo, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm bia đạt 16,35 triệu lít, bằng 71,1% so với kế hoạch năm và bằng 99,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm rượu đạt 440 lít, chỉ bằng 10,8% so với kế hoạch và bằng 75% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính quý 4/2023 của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương cho thấy, DN này trải qua kỳ kinh doanh không mấy thuận lợi. Mặc dù cả năm 2023, công ty lãi sau thuế 6 tỷ đồng, song con số này giảm gần 43% so với năm 2022.

Điều đáng nói, trước đó, tính đến năm 2022, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người mỗi năm là 8,3 lít, tương đương một người uống khoảng 170 lít bia mỗi năm.

Theo đó, số liệu ảm đạm của ngành bia rượu tại thị trường Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho xu thế giảm tiêu thụ đồ uống có cồn trên toàn cầu.

SÓNG GIÓ VẪN CHƯA DỨT

Theo NBC News, ngành bia rượu hiện nay không chỉ phải đối mặt với sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng mà còn từ các đối thủ mới như những hãng nước giải khát.

"Một số tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới đã cho ra mắt các sản phẩm bia không cồn, qua đó cạnh tranh trực tiếp với ngành bia rượu truyền thống", chuyên gia kinh tế trưởng Lester Jones của Liên đoàn bán sỉ bia quốc gia Mỹ (NBWA) thừa nhận.

Đồng quan điểm, tờ Slate cho hay thị phần ngành bia trong khoảng 2011-2021 trên toàn cầu đã liên tục suy giảm. Ví dụ thị phần của hãng Anheuser đã giảm từ 46,9% xuống chỉ còn 38,6%, qua đó cho thấy nhu cầu tiêu thụ rượu bia tại Mỹ đang chuyển mình đến một bước ngoặt sống còn với các hãng bán đồ uống có cồn.

Ngành bia rượu chật vật tìm lối thoát 2
Mọi người uống ít bia rượu hơn là vì sức khỏe và tiết kiệm tiền

Điều trớ trêu là trong khi thị phần bia giảm thì số lượng doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này lại tăng ở Mỹ, khiến sự cạnh tranh ngày một gay gắt hơn, đó là chưa kể đến những hãng giải khát với dòng bia không cồn. Cách đây 20 năm, Mỹ chỉ có khoảng 1.485 thương hiệu bia hoạt động thì con số này đã tăng lên đến 3.162 vào năm 2013 và 9.709 vào năm 2023.

Hậu quả là ngay cả những thương hiệu lâu đời như Heineken cũng giảm thị phần ở Mỹ từ 4% năm 2011 xuống chỉ còn 3,2% năm 2021. Số liệu của NBWA cho thấy trong năm 2022, doanh số bán bia tại Mỹ đã giảm 2%.

"Những lý do chính khiến mọi người uống ít bia rượu hơn là vì sức khỏe và tiết kiệm tiền. Chính điều này khiến khách hàng chuyển sang đồ uống không cồn hoặc những sản phẩm giá rẻ hơn. Thêm vào đó, việc giữ gìn sức khỏe cũng khiến mọi người tiết kiệm được chi phí y tế, khiến nhu cầu tiêu thụ bia rượu giảm mạnh", chuyên gia kinh tế Bart Watson của NBWA nói với tờ Forbes.

Khảo sát của Gallup cho thấy có một nửa người được hỏi trong thập niên 1990-2000 cho biết bia là thứ đồ uống ưa thích nhất của mình thì tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 37% hiện nay.

Không dừng lại đó, việc nhiều chính phủ siết chặt quản lý rượu bia nhằm đảm bảo sức khỏe người dân cũng như cộng đồng thay vì hưởng lợi từ thuế của ngành này cũng khiến thị trường chịu ảnh hưởng.

CHUYỂN ĐỔI HOẶC LỤI TÀN

Theo Fortune, dù lạm phát đã được kiềm chế ở các nền kinh tế chủ chốt nhưng ngành bia sẽ không thể trở lại thời hoàng kim như xưa vì chi phí sản xuất vẫn ở mức cao.

Số liệu của "The Brewers of Europe" cho thấy chi phí sản xuất bia rượu đã tăng 25% vào giữa năm 2023 so với cùng kỳ năm 2019, khiến sản phẩm này đắt đỏ hơn trong thời gian qua. Bởi vậy kể cả khi lạm phát đã được kiềm chế ở một số quốc gia thì bia rượu vẫn sẽ ở mức giá cao vì chưa thể hạ giá thành sản xuất ít nhất là cho đến năm 2025.

"Tổng chi phí sản xuất bia tiếp tục tăng nhẹ, điều này có nghĩa là sẽ có đà tăng giá nữa trong năm 2024", CEO Jacob Aarup Andersen của Carlsberg thừa nhận.

Một yếu tố nữa khiến giá bia không giảm là lợi nhuận biên. Dù chi phí vận hành hạ nhiệt từ từ thì các doanh nghiệp có xu hướng chậm hạ giá thành sản phẩm để gia tăng lợi nhuận, bù đắp lại thiệt hại trong thời kỳ lạm phát tăng cao.

"Một khi các hãng lớn như Anheuser, Heineken hay Carlsberg tăng giá thì họ hiếm khi hạ giá trở lại", giám đốc đầu tư Moritz Kronenberger của Union Investment nói với hãng tin Reuters.

Đó là chưa kể đến xu thế giảm uống rượu bia giữ gìn sức khỏe của giới trẻ cũng như việc chính phủ siết chặt kiểm soát đồ uống có cồn tại Châu Á.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn (rượu, bia) đã có những bước chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, thay vì bán hàng qua kênh truyền thống, các doanh nghiệp này bắt đầu đổ bộ lên sàn thương mại điện tử.

Thậm chí, một số hãng đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây. Ví dụ như Heineken với sản phẩm bia 0,0% độ cồn hay thương hiệu Chill (Công ty Cổ phần Goody Group) với đa dạng các dòng cocktail hoa quả đóng chai với độ cồn trong khoảng 4,5%…

Mặc dù vậy theo Fortune, việc trở lại thời hoàng kim của các ông lớn ngành bia rượu là rất khó khăn khi người dân Châu Á lẫn toàn cầu ngày càng ý thức được về sức khỏe, bên cạnh lý do tiết kiệm chi tiêu thời lạm phát.

Hơn nữa, việc chính phủ siết chặt quản lý đồ uống có cồn cũng khiến thời đỉnh cao của bia rượu có lẽ đã chấm dứt, báo hiệu một năm 2024 đầy thách thức.